Thư Viện Y Học

Diễn đàn trao đổi thảo luận kiến thức y học

Forum mình có thêm website bsquangicu.com mn vô đọc nhá!

    Viêm đường mật

    Admin
    Admin
    Admin
    Admin

    Tổng số bài gửi : 210
    Join date : 07/11/2014
    Age : 37
    Đến từ : DN

    Viêm đường mật Empty Viêm đường mật

    Bài gửi by Admin Sun Nov 09, 2014 3:56 pm

    Tải bản đầy đủ tại đây

    VIÊM ĐƯỜNG MẬT

    1. ĐẠI CƯƠNG
    1.1. Định nghĩa
    Viêm đường mật là trạng thái nhiễm khuẩn các đường dẫn mật trong và ngoài gan, biểu hiện lâm sàng của thể điển hình: đau, sốt và vàng da.
    1.2. Nhắc lại đặc điểm giải phẫu và sinh lý
    Đường dẫn mật bao gồm: đường dẫn mật trong gan và đường dẫn mật ngoài gan.
    - Đường dẫn mật trong gan gồm: các mao quản mật, các tiểu quản mật trong các tiểu thùy gan.
    - Đường dẫn mật ngoài gan gồm: các ống mật và túi mật. Túi mật dính sát mặt dưới của gan, ngay sau bờ trước (đối chiếu với thành bụng thì túi mật ở điểm giữa của bờ sườn phải, túi mật bình thường không nhô khỏi bờ trước gan, nên không sờ thấy). Niêm mạc của túi mật giống như niêm mạc: của tá tràng (là biểu mô truyến) do đó viêm tá tràng có thể lan dần lên túi  mật.
    - Mật do gan tiết ra sẽ theo các đường dẫn mật vào túi mật. Ở đây mật được cô đặc lại rồi sẽ xuống tá tràng vào lúc bữa ăn. Một phần mật xuống tiểu tràng và thành Urobilinogen và được thải qua nước tiểu. Một phần mật tiếp tục xuống đại tràng thành Stercobilinogen và được thải theo phân.
    1.3. Nguyên nhân bệnh sinh
    - Do ứ mật: 90% là do sỏi, 10% còn lại là do ung thư hoặc u lành.
    - Mầm bệnh: thường gặp là trực khuẩn Coli và cầu khuẩn ruột.
    - Có thể do giun chui ống mật chủ mang theo vi khuẩn lên gây viêm đường dẫn mật.
    1.4. Giải phẫu bệnh lý
    Các đường dẫn mật trong và ngoài gan bị phù nề, dầy lên, lòng ống bị giãn ra. Thành các ống mật và các khoảng cửa bị bạch cầu lympho và tương bào xâm nhập.
    - Túi mật: thường căng to, màu trắng xanh, xung huyết, có dính với gan, hoặc các tạng lân cận.
    - Gan: nếu có tắc mật gan sẽ to, mặt nhẵn, bờ tù. Màu sắc thường thấy là những đốm ứ mật rải rác, đều đặn trên mặt gan. Ngoài ra có thể thấy những ổ áp xe nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt có đường kính 0,5 - 1mm. Có lắng đọng Fibrin ở mặt gan.
    2. TRIỆU CHỨNG
    2.1. Lâm sàng
    - Đau bụng
    Cơn đau đột ngột hoặc xuất hiện sau bữa ăn có nhiều các chất béo. Vị trí đau ở hạ sườn phải, đau quặn từng cơn lên vai phải. Cơn đau xảy ra trước khi sốt vài giờ và dịu đi khi dùng thuốc giảm đau (là đặc điểm của viêm đường dẫn mật, do sỏi). Có khi cơn đau xuất hiện với cường độ âm ỉ, nhẹ nhàng.
    - Sốt: Sốt cao liên tục 390 - 400C có rét run.
    - Vàng da: Thường kín đáo, khi vàng da vẫn sốt.
    - Khám xét
    + Thể trạng gầy sút.
    + Gan to 1 - 3cm dưới bờ sườn phải, mật độ mềm.
    + Túi mật to, nếu vàng da mà sờ được túi mật thì chắc chắn là tắc mật ở ống mật chủ, phần lớn các túi mật to được xác định khi soi ổ bụng.
    2.2. Xét nghiệm
    - Xét nghiệm máu
    Bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng lên nhiều. Tốc độ lắng máu nhanh. Trong cơn sốt cáy máu đôi khi dương tính (trực khuẩn Coli…).
    - Sinh hoá máu
    Bilirubin máu tăng chủ yếu là Bilirubin kết hợp. Có thể xuất hiện muối mật trong nước tiểu (phản ứng hay dương tính).
    - Soi ổ bụng
    Khối lượng gan tăng, bờ gan tù, mặt gan nhẵn có ứ đốm mặt hoặc gan màu xanh. Có khi thấy các ổ áp xe nhỏ, túi mật to và dính với gan.
    - Siêu âm
    Các đường mật bị giãn to hơn bình thường
    Thấy được sỏi và vị trí của sỏi ống mật chủ, trong gan hay túi mật.
    - Dịch mật
    Màu vàng, đục bẩn, có rối loạn lưu thông mật, Protein trong mật B hoặc mật C cao hơn 150mg%.
    - X.quang
    Có nhiều phương pháp:
    + Chụp đường mật không dùng thuốc cản quang có thể thấy sỏi mật (chụp 2 tư thế thẳng, nghiêng).
    + Chụp có thuốc cản quang uống và nghiệm pháp Boyden. Kết quả sau 2 giờ có khi tới 4 - 5 giờ vẫn thấy bóng túi mật, chứng tỏ túi mật co bóp kém.
    + Chụp đường dẫn mật qua da, qua soi ổ bụng… Sẽ thấy được các vị trí tắc nghẽn.
    + Chụp mật khi soi tá tràng (phương pháp chụp mật ngược dòng) sẽ tìm được vị trí tắc mật. Nếu tìm thấy sỏi ống mật chủ thì thủ thuật viên có thể qua ống soi mềm đưa một dụng cụ vào cắt nới cơ tròn oddi để sỏi tụt xuống tá tràng.
    3. CHẨN ĐOÁN
    3.1. Chẩn đoán xác định
    - Căn cứ vào tiền sử có bệnh sỏi mật hoặc có nhiều đợt tái phát.
    - Căn cứ vào đau quặn gan, vàng da có kèm theo trạng thái nhiễm khuẩn, có gan to, túi mật to.
    - Có rối loạn lưu thông mật, đặc biệt là có Protein trong dịch mật cao hơn 150mg%, có tế bào mủ.
    3.2. Chẩn đoán phân biệt
    - Viêm gan truyền nhiễm: đau âm ỉ hoặc đau tức hạ sườn phải, không có cơn sốt rõ rệt, chỉ sốt nhẹ, sau khi hết sốt mới xuất hiện vàng da. Men SGOT và SGPT tăng cao gấp 2 - 3 lần mức bình thường.
    - Rối loạn vận động mật: cũng có cơn đau quặn gan nhưng không sốt, không vàng da.
    4. CÁC THỂ LÂM SÀNG
    4.1. Thể xuất tiết (thể nhẹ)
    Có cơn đau bụng gan, có sốt cao, kèm theo một đợt vàng da, tăng bạch cầu đa nhân, có các biểu hiện của một cơn tắc mật trong gan giống như viêm gan truyền nhiễm.
    4.2. Thể nung mủ (thể nặng)
    Các triệu chứng giống như thể xuất tiết nhưng ở mức độ nặng hơn.
    4.3. Thể nung mủ có tăng ure máu
    Ở thể này ngoài cơn đau, sốt cao và vàng da còn có hội chứng gan - thận, biểu hiện tăng urê máu (200 - 300mg%) và đái ít, có trụ niệu (đây là tăng urê máu ngoài thận).
    5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
    Các thể nung mủ và nung mủ có tăng urê máu là những thể nghiêm trọng, nếu không loại trừ được cản trở lưu thông mật có thể có các biến chứng sau:
    - Thấm mật phúc mạc.
    - Viêm túi mật hoại tử.
    - Áp xe gan ổ nhỏ.
    - Xơ gan mật
    - Nhiễm khuẩn máu.
    - Sốc mật.
    - Chảy máu đường mật (loại viêm do sỏi).
    6. ĐIỀU TRỊ
    6.1. Các thuốc giảm đau, chống co thắt
    - Dùng 1 hoặc 2 trong các thuốc sau:
    + Spasmaverin: ống 0,04g tiêm tĩnh mạch.
    + Buscopan: ống 20mg tiêm tĩnh mạch chậm.
    + Atropin sunfat 1/2mg tiêm bắp thịt.
    - Có thể thêm:
    + Aminazin 0,025g tiêm bắp thịt.
    + Dolosal:  ống 0,10g tiêm bắp thịt, dưới da.
    6.2. Thuốc kháng sinh
    Chỉ định theo kháng sinh đồ hoặc các kháng sinh đa tác dụng. Trước hết có thể cho:
    - Gentamyxin 80mg x 1 - 2 ống/24h tiêm bắp x 7 ngày
    - Ampixilin 0,5 x 2 - 4 viên/24h, uống sau hai bữa ăn.
    Khi dùng các kháng sinh mà giảm đau, chưa giảm sốt thì cho thêm: Depersolon 30mg x 1 - 2 ống pha trong huyết thanh ngọt đẳng trương 5% x 200ml truyền nhỏ giọt hàng ngày.
    6.3. Nhuận mật
    - Sorbiton 5g x 2 gói uống mỗi lần một gói.
    - Chophyton 6 viên ngày chia uống 2 lần.
    6.4. Các thuốc làm tan sỏi mật
    - Axit Chenodesoxycholic (biệt dược: Chenodex) viên 0,25.
    + Liều lượng từ 12 - 15mg/kg nặng/ngày. Phải điều trị từ 12 - 18 tháng liên tục. Kết quả sỏi nhỏ dần và mất đi.
    - Tác dụng phụ của thuốc là gây ỉa chảy.
    Axit Urodesoxycholic: viên 0,25
    + Liều từ 8 - 12mg/kg nặng/ngày, 1 đợt 8 - 12 tháng.
    6.5. Điều trị qua nội soi hoặc phẫu thuật (xem bài sỏi mật)
    Tải bản đầy đủ tại đây
    Chia sẻ

      Hôm nay: Fri Mar 29, 2024 3:17 pm