Thư Viện Y Học

Diễn đàn trao đổi thảo luận kiến thức y học

Forum mình có thêm website bsquangicu.com mn vô đọc nhá!

    Một số bệnh tim mắc phải

    Admin
    Admin
    Admin
    Admin

    Tổng số bài gửi : 210
    Join date : 07/11/2014
    Age : 37
    Đến từ : DN

    Một số bệnh tim mắc phải Empty Một số bệnh tim mắc phải

    Bài gửi by Admin Wed Nov 12, 2014 6:44 am

    Tải về



    MỘT SỐ BỆNH TIM MẮC PHẢI

    I. Hở van hai lá
    1. Đại cương:
              Hở van hai lá là một trong những bệnh van tim mắc phải hay gặp. Nguyên nhân của bệnh có thể là: thấp tim, viêm nội tâm mạc do vi khuẩn, biến chứng đứt cột cơ tim sau nhồi máu cơ tim, giãn quá mức thất trái trong các bệnh lý khác nhau, sau chấn thương tim...
    2. Sinh lý bệnh:
              + Lượng máu phụt ngược lên nhĩ trái mỗi lần thất trái bóp sẽ làm tăng áp nhĩ trái, từ đó dẫn tới tăng áp động mạch phổi và suy tim phải.
              + Tăng áp nhĩ trái cũng sẽ làm tăng thể tích đầy thất trái trong thì tâm trương, đồng thời thất trái còn phải tăng nhịp bóp để bù lại lượng máu không vào được động mạch chủ, do đó thất trái sẽ nhanh chóng bị suy.
    3. Triệu chứng chẩn đoán:
              + Khó thở khi gắng sức ở các mức độ khác nhau.
              + Nghe tim: có tiếng thổi tâm thu ở mỏm tim lan ra nách trái.
              + X.quang:
    - Hình nhĩ trái to, thất trái phì đại, nhiều khi thấy tim to toàn bộ. Có khi thấy được cả hình vôi hoá của van hai lá hoặc của vòng van hai lá.
    - Hình phổi ứ máu: rốn phổi đậm, phù gian kẽ phổi, có dịch màng phổi...
              + Điện tim: dày nhĩ trái, dày thất trái, dày thất phải, thường có rung nhĩ.
              + Siêu âm: hình giãn và phì đại thất trái. Siêu âm Doppler thấy rõ dòng máu phụt ngược từ thất trái lên nhĩ trái trong thì tâm thu.
    4. Điều trị ngoại khoa:
    a) Chỉ định:
    Cần chỉ định phẫu thuật cho mọi trường hợp Hở van hai lá bắt đầu có các triệu chứng suy thất trái. Nếu để suy thất trái quá lâu, các tổn thương đã thành thực thể thì can thiệp phẫu thuật sẽ không có kết quả.
    b) Các phương pháp phẫu thuật:
              Phải mổ dưới tuần hoàn nhân tạo ( dùng tim phổi máy). Có các phương pháp mổ chính sau:
              + Các phương pháp tạo hình van hai lá:
              - Khâu hẹp vòng van lại dựa trên một vòng có kích thước cố định sẵn ( vòng Carpentier)
              - Sửa lại chỗ hở  của van hai lá bằng cách khâu hẹp bớt các mép van lại (phương pháp Wooler ).
              + Phẫu thuật thay van:
    - Chỉ định cho các trường hợp Hở van hai lá có suy thất trái nặng.
    - Tiến hành mổ cắt bỏ các cánh van và dây chằng van hai lá, thay bằng van khác làm bằng chất liệu nhân tạo (chất dẻo hoặc kim loại) hoặc thay bằng van tim lấy từ động vật (xenograft) hoặc từ người chết (homograft). 
    II. Hẹp van ba lá:
    1. Đại cương:
    Hẹp van ba lá là bệnh ít gặp. Thường gặp kết hợp với Hẹp van hai lá do thấp tim. Ngoài ra có thể gặp hẹp van ba lá do tắc bởi cục nghẽn hay trong viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn…
    2. Triệu chứng chẩn đoán:
    + Các triệu chứng suy tim phải: tĩnh mạch cổ nổi, gan to, cổ trướng, phù ngoại vi...
    + Nghe tim: tiếng rùng tâm trương ở bờ trái xương ức, tăng lên trong thì thở vào.
    + Điện tim: rung nhĩ hoặc phì đại nhĩ phải.
    + X.quang: hình nhĩ phải giãn rộng lồi ra khỏi bờ phải xương ức.
    + Siêu âm:
    - Van hai lá xơ dày, giảm di động.
    - Siêu âm Doppler: xác định được mức độ nặng của chênh áp van ba lá (độ chênh áp lực giữa nhĩ phải và thất phải trong thì tâm trương).
    3. Điều trị ngoại khoa:
              + Chỉ định: nên chỉ định điều trị ngoại khoa cho các trường hợp hẹp van ba lá mức độ trung bình, đã có biểu hiện các triệu chứng suy tim phải hoặc các đợt rung nhĩ, nhất là khi có kết hợp với bệnh lý của các van tim khác (van hai lá, van động mạch chủ…) cần điều trị bằng phẫu thuật. 
              + Phương pháp phẫu thuật: phải mổ dưới tim phổi nhân tạo.
              - Phẫu thuật tạo hình van ba lá:  cắt tách mép các lá van dính để mở rộng lỗ van ba lá  dùng khi van ba lá bị hẹp do dính các mép van.
              - Phẫu thuật thay van ba lá: cắt bỏ các lá van ba lá và thay bằng van cơ học (làm bằng vật liệu nhân tạo như chất dẻo hay kim loại) hoặc van sinh học (van lấy từ động vật hay từ người chết).
              Các phẫu thuật trên thường được tiến hành đồng thời với phẫu thuật điều trị các bệnh của van hai lá hay van động mạch chủ.
    III. Hở van ba lá
    1. Đại cương:
    Hở van ba lá có thể là nguyên phát do bệnh van tim nhưng có thể là thứ phát do các tình trạng thất phải bị giãn hay suy.
    + Hở van ba lá nguyên phát còn gọi là hở van có nguồn gốc tại tổ chức van. Loại này thường do Thấp tim và thường kèm với các tổn thương thấp ở van hai lá và van động mạch chủ. Ngoài ra có thể gặp trong các bệnh: viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, chấn thương tim, nhồi máu thất phải gây tổn thương các cột cơ nhú... 
    + Hở van ba lá thứ phát còn gọi là hở van có nguồn gốc chức năng. Loại này thường gặp trong các tình trạng có giãn hay suy thất phải .
    2. Triệu chứng chẩn đoán:
              + Biểu hiện suy thất phải ở các mức độ khác nhau: mệt mỏi, chán ăn, phù ngoại vi, gan to, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi, tĩnh mạch cổ nổi...
              + Nghe tim: tiếng thổi toàn tâm thu lan dọc theo bờ trái xương ức, tăng lên khi thở vào.
    + Điện tim:
    - Rung nhĩ.
    - Giãn nhĩ phải và phì đại thất phải.
    + X.quang: hình nhĩ phải giãn to.
    + Siêu âm:
    - Giãn buồng thất phải. Di động nghịch thường của vách lên thất.
    - Siêu âm Doppler: xác định được mức độ trào ngược của dòng máu từ thất phải lên nhĩ phải trong thì tâm thu.
    3. Điều trị ngoại khoa:
              + Chỉ định:  các trường hợp hở van ba lá mức độ trung bình, đã có biểu hiện các triệu chứng suy tim phải, nhất là khi có kết hợp với bệnh lý của các van tim khác (van hai lá, van động mạch chủ…) cần điều trị bằng phẫu thuật. 
              + Các phương pháp phẫu thuật: phải mổ dưới máy tim phổi nhân tạo.
    -  Phương pháp tạo hình vòng van ba lá: dùng cho các hở van ba lá cơ năng do giãn vòng van. Có các biện pháp như: khâu hẹp vòng van lại dựa trên một vòng có kích thước cố định sẵn ( vòng Carpentier), thủ thuật hai lá hoá van ba lá, thủ thuật khâu củng cố vòng van ba lá bằng chỉ Polypropylene của De Vega…
    - Phẫu thuật thay van ba lá: thực hiện giống như trong điều trị Hẹp van ba lá.
              Trong thực tế các phẫu thuật trên thường được tiến hành kết hợp với thay van hai lá hoặc van động mạch chủ bị tổn thương nặng do thấp tim.
    IV. Hẹp van động mạch chủ:
    1. Đại cương
        Nguyên nhân thường do thấp tim, xơ vữa động mạch, thoái hoá van động mạch chủ tuổi già, van động mạch chủ hai lá (làm cho dòng máu qua van động mạch chủ trở thành dòng chảy rối tác động vào các lá van, dần dần gây xơ và vôi hoá các lá van dẫn đến hẹp lỗ van).
    2. Sinh lý bệnh:
              + Thất trái tăng gánh do phải cố bóp máu qua lỗ van động mạch chủ hẹp, dẫn đến phì đại và suy thất trái.
              + Lượng máu vào động mạch chủ giảm dẫn đến giảm cung lượng tim.
    3. Triệu chứng chẩn đoán:
              + Khó thở khi gắng sức, có cơn đau thắt ngực, ngất đột ngột.
              + Nghe tim: có tiếng thổi tâm thu thô ráp ở huyệt động mạch chủ lan dọc lên bờ phải xương ức, xương đòn phải và động mạch cảnh.
              + Điện tim:
    - Phì đại thất trái, giãn nhĩ trái.
    - Thường có Block nhánh phải và nhánh trái bó His, dẫn truyền chậm trong thất, rung nhĩ...
              + X.quang:
    - Phì đại thất trái.
    - Hình giãn rộng đoạn lên của quai động mạch chủ ngực (tình trạng giãn động mạch chủ phần sau chỗ hẹp).
    - Có thể thấy vết vôi hoá của van động mạch chủ.
              + Siêu âm:
    - Hình van động mạch chủ xơ dày, có thể có vôi hoá.
    - Xác định được mức độ hẹp của van động mạch chủ. Hình phì đại thất trái và giãn nhĩ trái.
    - Nghiên cứu siêu âm Doppler có thể tính được độ chênh áp lớn giữa thất trái và động mạch chủ.
    4. Điều trị ngoại khoa:
    a) Chỉ định:
              Tất cả các trường hợp bị Hẹp động mạch chủ có biểu hiện triệu chứng rõ thì đều có chỉ định mổ, trừ các trường hợp đã bị suy chức năng thất trái quá nặng.
    b) Các phương pháp phẫu thuật:
              + Mổ tách van động mạch chủ phương pháp kín: đưa dụng cụ tách van vào van động mạch chủ qua động mạch cảnh gốc phải hoặc qua thất trái. Hiện nay không dùng nữa.
              + Mở rộng van động mạch chủ bằng bóng qua da (Percutaneous aortic balloon valvuloplasty): kết quả tức thời chỉ đạt khoảng 50% và hay tái phát, thường chỉ định dùng cho các bệnh nhân yếu, không còn khả năng chịu đựng phẫu thuật thay van.
              + Mổ thay van động mạch chủ:
    - Phải mổ dưới máy tim phổi nhân tạo.
    - Tiến hành cắt bỏ van động mạch chủ bị hẹp và thay bằng van khác làm bằng vật liệu nhân tạo hoặc lấy từ động vật hay người đã chết.
    V. Hở van động mạch chủ
    1. Đại cương:
              Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây nên Hở van động mạch chủ như: thấp tim, viêm đa khớp dạng thấp, Lupus bam đỏ hệ thống, giang mai, vữa xơ động mạch, viêm nội tâm mạc vi khuẩn, cao huyết áp, chấn thương tim...
    2. Sinh lý bệnh:
              + Lượng máu phụt ngược trở lại thất trái khi tâm trương sẽ làm giảm áp lực tâm trương của động mạch chủ, từ đó giảm lượng máu vào nuôi động mạch vành.
              + Thể tích cuối tâm trương thất trái tăng làm cho thất trái bị phì đại, tăng co bóp để bù lại lượng máu bị phụt ngược, dẫn đến suy thất trái rồi sau đó là cao áp động mạch phổi.
    3. Triệu chứng chẩn đoán:
              + Khó thở khi gắng sức, khi nằm hoặc có các cơn khó thở đột ngột về đêm (biểu hiện của suy chức năng thất trái). Đôi khi có cơn đau thắt ngực, ngất khi gắng sức.
              + Huyết áp tối đa tăng trong khi huyết áp tối thiểu giảm (khoảng cách giưã huyết áp tối đa và tối thiểu lớn).
              + Nghe tim: có tiếng thổi tâm trương ở huyệt van động mạch chủ lan dọc theo xương ức xuống mỏm tim.
              + X.quang:
    - Hình thất trái phì đại, đoạn lên của quai động mạch chủ phồng và đập mạnh.
    - Có thể thấy vết vôi hoá của van động mạch chủ.
    - Phổi ứ máu: rốn phổi đậm, phù gian kẽ phổi (các dấu hiệu của suy thất trái).
              + Điện tim: dày thất trái, thiếu máu cơ tim...
              + Siêu âm:
    - Hình van động mạch chủ xơ, vôi hoá.
    - Giãn và tăng vận động thất trái, thường có giãn nhĩ trái và vùng gốc động mạch chủ.
    - Siêu âm Doppler xác định được có dòng máu phụt ngược từ động mạch chủ về thất trái trong thì tâm trương.
    4. Điều trị ngoại khoa:
              + Chỉ định:  các trường hợp Hở van động mạch chủ có biểu hiện suy chức năng thất trái thì đều nên có chỉ định mổ thay van sớm.
    + Phương pháp phẫu thuật:
    Phải mổ dưới máy tim phổi nhân tạo. Tiến hành cắt bỏ van động mạch chủ bị tổn thương và thay bằng van khác (van nhân tạo, van lấy từ động vật hoặc van lấy từ người đã chết).
    VI. Tắc động mạch vành do vữa xơ động mạch:
    1. Đại cương:
              Là một bệnh tim mắc phải rất phổ biến hiện nay, nằm trong bệnh cảnh chung của bệnh vữa xơ động mạch.
    2. Sinh lý bệnh:
              Động mạch vành bị tắc dẫn tới thiếu máu cơ tim và rối loạn hoạt động hệ thống tự động của tim. Các trường hợp nặng có thể gây tử vong đột ngột.
    3. Triệu chứng chẩn đoán:
              + Có cơn đau thắt ngực.
              + Điện tim: có ST chênh, có thể xác định được vùng cơ tim bị thiếu máu.
              + Chụp mạch vành: xác định chính xác vị trí tắc, kích thước và hình thái phân bố của các động mạch vành.
    4. Điều trị:
              Hiện nay có hai phương pháp chính thường dùng để tái tạo lại tuần hoàn vành bị tắc là:
              + Nong rộng lòng động mạch vành qua da (Percutaneous Transluminal Coronary Angioplasty: PTCA): bằng kỹ thuật đặt thông mạch máu, đưa bóng nong vào vùng động mạch vành hẹp và bơm căng bóng lên để nong rộng lòng động mạch vành ra.
              + Phẫu thuật nối bắc cầu động mạch vành (Coronary Artery Bypass Grafting: CABG):
              - Dùng động mạch vú trong:
    * Bóc tách lấy động mạch vú trong rồi đưa đầu ngoại vi xuống nối vào phần ngoại vi chỗ tắc của động mạch vành (lấy máu từ động mạch dưới đòn).
    * Bóc tách cắt đoạn động mạch vú trong rồi lấy đoạn động mạch đó để nối bắc cầu giữa động mạch chủ và phần ngoại vi của động mạch vành bị tắc (lẫy máu từ động mạch chủ).
              - Dùng tĩnh mạch hiển trong: lấy tĩnh mạch hiển trong của bệnh nhân để nối bắc cầu giữa động mạch chủ và phần ngoại vi chỗ tắc của động mạch vành.
    VII. Viêm màng ngoài tim co thắt:
    1. Đại cương:
              + Viêm màng ngoài tim co thắt là một bệnh mắc phải trong đó màng ngoài tim sau quá trình bị viêm trở nên xơ dày, dần dần co lại và bóp chặt lấy tim.
              + Nguyên nhân thường do các Viêm mủ màng ngoài tim không được điều trị có kết quả. Các nguyên nhân gây Viêm mủ màng ngoài tim có thể dẫn đến Viêm màng ngoài tim có thắt là:
              - Các bệnh Collagen như: thấp khớp, viêm đa khớp dạng thấp, bệnh xơ cứng bì...
              - Các bệnh nhiễm trùng: nhiễm vi khuẩn (tụ cầu vàng, cầu khuẩn màng não, liên cầu, phế cầu, cầu khuẩn lậu, lao...), nhiễm Virut (virut Coxsackie A và B, virut cúm A và B, virut thuỷ đậu...), nhiễm nấm histoplasmosis, nhiễm ký sinh trùng (echinococcus, Amip lỵ...).
              - Sau các chiếu xạ.
              - Di căn ung thư đến màng ngoài tim.
              - Tăng Ure máu.
              - Không rõ căn nguyên.
    2. Sinh lý bệnh:
              Do bị bó chặt trong lớp vỏ cứng nên biên độ co bóp của tim bị hạn chế nặng nề. Kết quả là: lượng máu do tim bóp đưa vào đại tuần hoàn giảm đi, ứ máu ở cả hệ đại tuần hoàn và tiểu tuần hoàn, cơ tim thoái hoá dần.
    3. Triệu chứng chẩn đoán:
              + Lâm sàng: bệnh thường đã tiến triển trong một thời gian dài (sau viêm mủ màng ngoài tim).
    - Các triệu chứng ứ trệ vòng đại tuần hoàn tăng dần ( phù chân, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi, gan to, tĩnh mạch cổ nổi...)
              - Huyết áp tối đa của động mạch giảm, áp lực tĩnh mạch trung tâm tăng cao.
              - Nghe: tiếng tim không rõ, có nhiều rên ứ đọng ở cả hai đáy phổi.
              + Điện tim: thường thấy các biểu hiện
              - Rung nhĩ.
              - Điện thế của phức hợp QRS thấp.
              - Sóng T thấp hoặc âm tính (không đặc hiệu).
              - Giả phì đại thất phải (trục phải và sóng R>S ở V1)
              + X.quang:
              - Bóng tim bình thường hoặc hơi to, bờ rất rõ.
    -  Hình vôi hoá ở màng ngoài tim (gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân).
    -  Các trường phổi sáng.
              + Siêu âm:
    - Hình màng tim xơ dày và vôi hoá, cơ tim mỏng.
    - Biên độ co bóp cơ tim giảm...
    + Chụp cộng hưởng từ  (Magnetic resonance imaging: MRI ): thấy rõ màng ngoài tim bị dày lên rất nhiều.
    + Sinh thiết màng ngoài tim:
    - Có thể tiến hành sinh thiết màng ngoài tim khi nghi ngờ nguyên nhân viêm màng ngoài tim co thắt là do xâm nhiễm của U ác tính.
    - Thường tiến hành mở một lỗ nhỏ ở sát dưới mỏm ức, bóc tách vào để nhìn thấy màng tim  và sinh thiết. Biopsy.
    4. Điều trị ngoại khoa:
              + Chỉ định: mọi bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim co thắt đều có chỉ định mổ sớm vì nếu để muộn, cơ tim đã thoái hoá nặng thì mổ sẽ không có hiệu quả.
              + Phương pháp mổ: cắt bỏ rộng màng ngoài tim để giải phóng tim  được càng nhiều càng tốt. Khi màng ngoài tim bị xơ dính nhiều thì phẫu thuật sẽ rất khá khăn và thường chỉ cắt bỏ được một phần màng ngoài tim.

    Tải về

    Chia sẻ

      Hôm nay: Fri Mar 29, 2024 2:56 pm