Thư Viện Y Học

Diễn đàn trao đổi thảo luận kiến thức y học

Forum mình có thêm website bsquangicu.com mn vô đọc nhá!

    Bệnh do amip lỵ

    Admin
    Admin
    Admin
    Admin

    Tổng số bài gửi : 210
    Join date : 07/11/2014
    Age : 37
    Đến từ : DN

    Bệnh do amip lỵ Empty Bệnh do amip lỵ

    Bài gửi by Admin Wed Nov 19, 2014 8:38 am

    BỆNH DO AMÍP LỴ (Amibiase)



    1.Đại cương

    1.1. Lịch sử nghiên cứu
    - Năm 1875, F. A. Lesch phát hiện amíp  trong phân một bệnh nhân lỵ ở S. Peterburg và ông đã lấy phân tươi của bệnh nhân gây bệnh cho 4 con chó, ngày thứ 18 của bệnh, ông mổ chó, kiểm tra đại tràng thấy có nhiều ổ loét và ở ổ loét có nhiều amíp
    - Năm 1883, R. Koch nghiên cứu giải phẫu bệnh những người chết vì bệnh lỵ ở Ai Cập đã phát hiện thấy amíp trên các lát cắt của đại tràng và thành ổ apxe gan của 4 trường hợp
    - Năm 1891 Coucilman và Lafleur đã gọi bệnh này là bệnh lỵ amíp
    - Năm 1903 Shaudin đã xác định Amíp lỵ thuộc họ đơn bào (Entamoebidae) và gọi tên là Entamoeba hystolytica.
    - Năm 1904, phát hiện áp xe não do amíp
    - Năm 1912, Emetin được sử dụng điều trị lỵ amíp
    1.2. Định nghĩa
    Bệnh do amíp là bệnh truyền nhiễm lây bằng đường tiêu hóa do amíp lỵ (Entamoeba histolytica) gây ra. Tổn thương của bệnh có ở nhiều nơi nhưng đặc trưng là loét ở niêm mạc đại tràng, áp xe ở nhiều cơ quan như gan, phổi, não... Bệnh thường có tiến triển kéo dài và diễn biến trở thành mạn tính nếu không được điều trị đúng.
    2. Dịch tễ học

    2.1. Mầm bệnh
    Amíp lỵ có tên khoa học là Entamoeba histolytica, amíp lỵ thuộc lớp đơn bào. Quá trình sống được chia làm 2 thời kỳ, thời kỳ hoạt động(chu kỳ dinh dưỡng), thời kỳ nghỉ (kén), trong quá trình tồn tại tùy theo điều kiện sống, amíp lỵ có thể chuyển từ trạng thái hoạt động sang thể kén và ngược lại.
    - Thể hoạt động
    + Thể hoạt động lớn (Entamoeba histolytica forma magna - thể gây bệnh) thể ăn hồng cầu, kích thước 15 - 30 micromet, có ở chỗ có nhiều nhầy máu, thể này dễ chết khi ở nhiệt độ môi trường do vậy khi lấy phân làm xét nghiệm soi tươi phải lấy ngay sau khi bệnh nhân ỉa  và soi tại chỗ.
    + Thể hoạt động nhỏ (Entamoeba histolytica forma minuta- thể trung gian ), kích thước 8-25 micromet, trong bào tương không có hồng cầu. Đây là thể không đóng vai trò gây bệnh cũng như lây bệnh.
    - Thể kén (Entamoeba histolytica forma cystica) hình oval hoặc hình tròn, kích thước 10-14 micromet có 2 lớp vỏ bọc, tồn tại lâu trong đất, rau xanh.., ở nhiệt độ thường kén tồn tại hàng tháng, ở nhiệt độ 45o thì chết sau 30 phút, ở 85o  sau vài giây, ở dung dịch Cresil 1/250 từ 5-15 phút. Thể kén đóng vai trò lây bệnh.
    2.2. Nguồn bệnh và đường lây
    - Nguồn bệnh : Duy nhất là người bao gồm :
    + Người bệnh
    + Người mắc bệnh mạn tính
    + Người mang mầm bệnh không triệu chứng, đây là nguồn bệnh nguy hiểm.
    - Đường lây : Bệnh lây qua đường ăn uống, người mắc bệnh do nhiễm phải nguồn thực phẩm hoặc thông qua tay nhiễm kén amip.
    2.3. Cơ thể cảm thụ, tính chất dịch
    - Bệnh không có miễn dịch bền vững, 90% người nhiễm không có triệu chứng lâm sàng.
    - Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc.
    - Bệnh thường tản mát, đôi khi có thể gây những vụ dịch lớn.
    3. Cơ chế bệnh sinh và tổn thương mô bệnh học
    Kén amíp lỵ  qua dạ dày tới ruột, kén bị phá vỡ lớp vỏ nhờ pH kiềm, To tương thích, Trypsin của tụy,  giải phóng amíp 4 nhân (thể xuất kén), thể này di chuyển xuống đại tràng (hồi manh tràng) phát triển thành thể hoạt động nhỏ (thể minuta), sống cộng sinh không gây bệnh, một số thải theo phân ra ngoài và một số phát triển thành kén, kén theo phân ra ngoài tạo nguồn lây.Trong điều kiện thành niêm mạc bị tổn thương(do viêm nhiễm bởi vi khuẩn hoặc chấn thương) thể minuta xâm nhập vào thành ruột, chúng sinh sản phát triển thành thể hoạt động lớn, ăn hồng cầu và tiết men tiêu hủy protein dẫn tới hoại tử tế bào, tạo ổ loét, ổ áp xe đặc hiệu miệng nhỏ, đáy rộng và sâu, có trường hợp thủng đại tràng gây viêm phúc mạc mủ, các nốt loét có thể ăn thông với nhau, thường bị bội nhiễm vi khuẩn kết hợp. Một số bệnh nhân amíp lỵ gây ra những u hạt ở ruột, hoặc amíp xâm nhập vào máu gây áp xe các cơ quan ngoài ruột như gan, phổi, não...
    4. Lâm sàng

    4.1. Các thể lâm sàng
    - Amíp lỵ gây nên:
    * Bệnh Amíp ruột :
    + Người mang mầm bệnh không triệu chứng
    + Lỵ amíp mạn tính
    + Lỵ amíp cấp tính
    * Bệnh amíp ngoài ruột
    + Áp xe gan do amíp
    + Áp xe phổi do amíp
    + Áp xe não do amíp
    + Amíp da
    ...
    4.2. Bệnh lỵ amíp
    - Đây là thể bệnh hay gặp nhất do amip lỵ gây nên.
    4.2.1. Lỵ amíp cấp tính
    - Nung bệnh: 1-2 tuần, có khi vài tháng
    - Khởi phát: thường từ từ, đôi khi cấp tính. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là mệt, chán ăn, đau bụng, thường không có sốt, nếu có cũng chỉ sốt nhẹ, người bệnh  cảm thấy sức khỏe bình thường.
    - Toàn phát: hội chứng lỵ là tổn thương đặc trưng với các biểu hiện:
    + Đau quặn bụng: bệnh nhân đau quặn từng cơn ở hố chậu phải(vùng hồi manh tràng) , đau liên quan tới đi ỉa, ỉa song không giảm đau,  có khi đau dọc theo khung đại tràng.
    + Đi ỉa: Đi ỉa ngày từ vài lần đến chục lần (ít hơn lỵ trực khuẩn) , khi đi bệnh nhân luôn có cảm giác mót dặn, đi ngoài giả (đi không có phân) là đặc trưng của bệnh, + Phân những ngày đầu thường lỏng, sệt, sau đó phân chỉ có nhầy, máu, nhầy trong như nhựa chuối,đứng riêng rẽ, không lẫn máu, dính bô.
    - Bệnh thường không gây ra mất nước và điện giải
    - Tiển triển: Điều trị đúng bệnh khỏi sau 7- 10 ngày điều trị, nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng bệnh chuyển sang mạn tính.
    4.2.2. Lỵ amíp mạn tính
    - Đợt cấp của lỵ amíp mạn tính thường có biểu hiện lâm sàng như lỵ amíp cấp
    - Lỵ amíp mạn tính kéo dài, liên tục: hội chứng lỵ và hội chứng suy mòn kết hợp
    4.3. Bệnh amíp gan
    - Amíp xâm nhập qua mạch máu vào gan
    - Amíp xâm nhập trực tiếp từ ruột qua phúc mạc vào gan
    + Viêm gan amíp: Thường sảy ra ở bệnh nhân lỵ amíp, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau tức vùng gan, gan to,  xét nghiệm BC tăng cao, có thể thấy Bilirubin tăng nhẹ, SGOT/SGPT tăng nhẹ. Nếu không điều trị kịp thời, viêm gan  chuyển thành áp xe gan.
    + Áp xe gan amíp: Bệnh nhân sốt cao, có rét run, mệt mỏi, bơ phờ, mặt hốc hác, da xanh, xét nghiệm BC tăng cao, chuyển trái, tốc độ lắng máu tăng cao. Bệnh nhân đau nhiều vùng gan, đau tăng khi thở, hoặc khi nằm nghiêng phải, ấn kẽ liên sườn đau, rung gan đau. Một số trường hợp có vàng da, bụng chướng, khó thở, xét nghiệm thấy Bilirubin tăng, SGOT/SGPT tăng nhẹ, Siêu âm thường thấy một ổ loãng âm, thành mỏng và thường ở gan phải.
    4.4.Bệnh amíp phổi
    - Amíp xâm nhập qua đường máu
    - Do thẩm lậu hoặc do vỡ ổ áp xe gan amíp thông lên phổi
    + Tràn dịch- Viêm màng phổi do amíp
    + Viêm phổi - Áp xe phổi do amíp
    4.5. Áp xe não do amíp
    - Do amíp xâm nhập vào não bằng đường mạch máu
    Bệnh nhân thường có nhiều ổ áp xe ở cả hai bán cầu, biểu hiện lâm sàng là hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, hội chứng tăng áp lực nội sọ và hội chứng tổn thương khu trú tùy theo vị trí áp xe.
    4.5. Áp xe cơ quan khác
    - Thận, lách, cơ quan sinh dục nữ
    4.6. Amíp da
    - Thường là thứ phát, hay gặp ở hậu môn, tạo lỗ dò hậu môn, hoặc ở gan tạo lỗ dò thành ngực...
    5. Biến chứng
    - Viêm phúc mạc do thủng ruột
    - U amíp
    -  Políp đại tràng
    - Chảy máu ruột
    - Sa niêm mạc trực tràng
    - Viêm ruột thừa do amíp
    - Tử vong do áp xe gan, phổi, não.
    6. Chẩn đoán

    6.1. Chẩn đoán xác định
    - Phải dựa vào tiền sử và dịch tễ, amíp ruột là thể bệnh cơ bản hầu hết bệnh nhân thể bệnh khác trải qua.
    - Lâm sàng hội chứng lỵ không sốt, đi ngoài giả
    - Xem phân: phân có nhầy máu riêng rẽ, nhầy trong, không lẫn máu, không dính bô
    - Soi đại tràng: niêm mạc ít xung huyết, lòng đại tràng có nhầy trong, loét niêm mạc thưa thớt hình cúc áo.
    - Soi tươi phân thấy amíp lỵ các thể đặc biệt thể ăn hồng cầu có giá trị chẩn đoán quyết định.
    - Xét nghiệm ELISA có giá trị chẩn đoán (+)
    - Xét nghiệm PCR có giá trị tương đương soi tươi
    6.2. Chẩn đoán phân biệt
    - Amíp ruột luôn phải chẩn đoán phân biệt với các bệnh có hội chứng lỵ đặc biệt là lỵ trực khuẩn (Bệnh lỵ có sốt, nhiễm trùng toàn thân, đi ỉa nhiều lần, phân nhầy máu, mủ lẫn lộn, phân tanh, thối)
    - Amíp ngoài ruột  cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh tổn thương tại cơ quan đó
    7. Điều trị

    7.1. Thuốc diệt amíp
    - Thuốc diệt cả thể hoạt động và thể kén
    + Metronidazol (Flagyl, Klion) viên 0,25 liều 25 -30 mg/kg/24 giờ/10 - 14 ngày
    + Tinidazol viên 0,5 x 4 viên ngày x 3 ngày liên tục
    + Secnidazol, Flagentyl
    - Thuốc diệt amíp trong tế bào và diệt thể hoạt động
    + Dihydro Emetin ống 40 mg, liều dùng 1mg/kg/ngày dùng trong 5-7 ngày tiêm bắp thịt, sau đó chuyển uống  Metronidazol..
    - Thuốc khác
    +Intetrix (Tiliquinol- Tilbroquinol) 4v/ngày x 14 ngày
    + Chiniofon(Mixiod) viên 0,25 x 6v/ngày/10 ngày
    7.2. Điều trị theo cơ chế bệnh sinh.
    - Giảm đau, băng xe niêm mạc
    - Phối hợp với kháng sinh khi có bội nhiễm
    - Chọc hút, dẫn lưu ổ mủ
    ...
    8. Phòng bệnh
    - An toàn vệ sinh thực phẩm
    - Quản lý người bệnh , nguồn phân
    - Điều trị người mang kén bằng Metronidazol, Intetrix, Chinofon
    Tải về
    Chia sẻ

      Hôm nay: Fri Mar 29, 2024 1:24 pm