Thư Viện Y Học

Diễn đàn trao đổi thảo luận kiến thức y học

Forum mình có thêm website BSQUANG ICU mn vô đọc nhá!

    Viêm dạ dày cấp

    Admin
    Admin
    Admin
    Admin

    Tổng số bài gửi : 210
    Join date : 07/11/2014
    Age : 37
    Đến từ : DN

    Viêm dạ dày cấp Empty Viêm dạ dày cấp

    Bài gửi by Admin Sun Nov 09, 2014 3:24 pm

    Tải bản đầy đủ tại đây

    VIÊM DẠ DÀY CẤP

    1. Đại cương
    Viêm dạ dày cấp là phản ứng viêm xảy ra ở niêm mạc dạ dày, do tác dụng mạnh của các tác nhân hoặc nhiễm khuẩn, có đặc tính là khởi phát, diễn biến nhanh chóng và ít khi để lại di chứng.
    1.1. Nguyên nhân
    1.1.1. Yếu tố ngoại sinh thường gặp
    - Do Helicobacter pylori (Hp).
    - Do vi khuẩn khác (tụ cầu, liên cầu, Helicobacter helmmanii, lao, giang mai…).  
    - Do virut và độc tố của chúng.
    - Do ăn uống: thức ăn quá nóng, lạnh quá, cứng, khó tiêu, nhai không kỹ, do rượu, chè, cà phê, mù tạc…
    - Thuốc: Aspirin, NSAIDs, Quinin, Sulfamid, Cortancyl, Phenylbutazol, Reserpin, Digitalin, kháng sinh…
    - Các chất ăn mòn: muối kim loại nặng (đồng, kẽm, thủy ngân), kiềm, acid sulphuric, acid chlothydric, Nitrat bạc...
    - Các kích thích nhiệt, dị vật.
    1.1.2. Các yếu tố nội sinh
    Do các độc tố nội sinh tràn vào máu gây ra viêm dạ dày cấp, gặp trong các bệnh sau:
    - Các bệnh nhiễm trùng cấp (cúm, sởi, bạch hầu, thương hàn, viêm phổi, viêm ruột thừa...), TALTMC, thoát vị hoành….
    - Urê máu cao, tăng Thyroxin, tăng đường máu.
    - Các stress: bỏng, chấn thương nặng, sau phẫu thuật lớn, shock, nhiễm phóng xạ (1.100r - 2.500r), u não, chấn thương thần kinh tâm thần, tim, bệnh tim - phổi cấp, xơ gan, suy thận…
    - Dị ứng (thức ăn: tôm, sò, ốc, hến…), viêm thành mạch dị ứng (hội chứng Schoenlein- Hénoch).
    1.2. Giải phẫu bệnh
    Tổn thương có thể khu trú hoặc lan tỏa, tuỳ theo mức độ và nguyên nhân, mà người ta chia ra làm 4 loại:
    - Tổn thương dạng viêm long: nổi bật là phù nề, xung huyết mạch máu và thâm nhiễm tế bào viêm đa nhân ở lớp niêm mạc.
    - Viêm dạ dày thể xuất huyết: niêm mạc rải rác có những điểm xuất huyết phá vỡ mạch máu ở lớp cơ niêm, vùng cổ tuyến có thâm nhiễm tế bào viêm. Loại tổn thương này thường do các chất kích ứng dạ dày gây nên.
    - Viêm dạ dày ăn mòn: thường do các tác nhân kích ứng mạnh, mức độ tổn thương có thể từ phù nề niêm mạc đến loét, hoại tử, lan rộng đến lớp sâu của thành dạ dày. Hoại tử có thể dẫn đến sẹo xơ thành dạ dày.
    - Viêm dạ dày nhiễm khuẩn: dạ dày viêm tấy, có thể viêm mủ làm tách toàn bộ thành dạ dày gây thủng và viêm phúc mạc. Một số vi khuẩn sinh hơi có thể gây hoại tử dạ dày (viêm dạ dày hoại thư).
    2. Triệu chứng
    2.1. Lâm sàng
    Có thể hoàn toàn không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện rầm rộ với những triệu chứng:
    - Đau vùng thượng vị dữ dội, cồn cào, nóng rát, có khi âm ỉ, ậm ạch khó tiêu.
    - Buồn nôn hoặc nôn nhiều, ăn xong nôn ngay, thường nôn xong giảm đau. Nôn hết thức ăn thì nôn ra dịch chua, có khi nôn cả ra máu .
    - Có thể đi lỏng
    - Lưỡi bự, miệng hôi, sốt 39 - 400C.
    - Gõ vùng thượng vị đau, dấu hiệu Mendel (+).
    - Có thể bị trụy tim mạch do nôn nhiều .
    2.2. Xét nghiệm
    * Xét nghiệm máu:
    - Bạch cầu tăng, công thức bạch cầu chuyển trái, máu lắng tăng.
    * Dịch vị:
    - Tăng tiết dịch, tăng toan, trong dịch có bạch cầu, tế bào mủ.
    * X.quang: giá trị chẩn đoán hạn chế, trên film có thể thấy các hình ảnh
    - Các nếp niêm mạc thô, ngoằn ngoèo.
    - Bờ cong lớn nham nhở, túi hơi rộng.
    * Nội soi dạ dày:
    - Hình ảnh một phần hoặc toàn thể niêm mạc dạ dày đỏ rực, bóng láng, có những đám nhầy dày hoặc mỏng. Các nếp niêm mạc phù nề. Niêm mạc kém bền vững, dễ xuất huyết (chấm xuất huyết, mảng xuất huyết), vết trợt.
    - Trên nền xung huyết phù nề, có những chỗ mất tổ chức (thường ở phần dưới thân vị, hang vị), đôi khi có vết nứt kẽ, dài, ngắn, ngoằn ngoèo, chạy dọc các rãnh hoặc cắt ngang qua các niêm mạc, đôi khi là dạng loét trợt (Aphte), loét dài hẹp.
    3. Chẩn đoán
    3.1. Chẩn đoán xác định: Bệnh xảy ra sau một căn nguyên hóa lý hoặc nhiễm khuẩn.
    - Lâm sàng: đau thượng vị đột ngột không theo chu kỳ, nóng rát, điểm thượng vị đau, dấu hiệu Mendel (+).
    - Soi dạ dày thấy tổn thương viêm cấp tính ở niêm mạc
    - X.quang: không thấy hình loét, chỉ thấy niêm mạc thô.
    - Mô bệnh học: hình ảnh phù nề, xuất huyết, bong tróc niêm mạc và thâm nhiễm bạch cầu đa nhân (triệu chứng quyết định chẩn đoán)
    3.2. Chẩn đoán phân biệt
    - Viêm tụy cấp (đau, nôn, chướng bụng, amylaza máu và nước tiểu tăng cao).
    - Thủng dạ dày (bụng cứng như gỗ, X quang bụng: thấy liềm hơi).
    - Viêm túi mật cấp (sốt, sờ thấy túi mật to).
    - Cơn đau cấp của loét dạ dày - tá tràng (tiền sử loét, X quang, nội soi dạ dày có ổ loét).
    - Đợt cấp của viêm dạ dày mạn (chủ yếu phân biệt bằng mô bệnh học)
    4. Tiến triển, biến chứng
    4.1. Tiến triển
    Quá trình viêm diễn ra từ vài giờ đến vài ngày, liền sẹo nhanh, phục hồi hoàn toàn sau 1-2 tuần.
    Một số tác giả cho rằng từ viêm dạ dày cấp, nếu bị nhiều đợt có thể chuyển thành viêm mạn, vì niêm mạc bị phá hủy liên tiếp và có vai trò của cơ chế miễn dịch.
    4.2. Biến chứng
    - Chảy máu dạ dày.
    - Trụy mạch do mất nước và điện giải
    5. Điều trị
    5.1. Nguyên tắc điều trị
    - Loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh
    - Điều trị triệu chứng và biến chứng (nếu có).
    - Điều trị bằng kháng sinh nếu là do nguyên nhân nhiễm khuẩn.
    5.2. Chế độ ăn uống
    Khi nôn nhiều cho bệnh nhân nhịn ăn, hết nôn có thể uống sữa, ăn xúp, ăn từ lỏng đến đặc.
    5.3. Dùng thuốc chữa triệu chứng
    * Thuốc chống co thắt, chống nôn
    -  Thuốc ức chế M cholin
    + Atropin  1/4mg tiêm dưới da 1 ống/ lần x  2-3 lần/ ngày
    + Thuốc ức chế chọn lọc M1 cholin: Hyoscime - n - Butylbromide (Buscopan)   ống 10mg tiêm bắp hoặc tiêm TM 1 - 2 ống/lần x 2-3 lần/ ngày
    * Các thuốc chống co thắt cơ trơn
    - Papaverrin  ống 40mg, tiêm bắp 1ống/ lần x  3- 4  lần/ ngày viên 40mg  uống  2 viên/ lần  x  3-5 lần/ ngày.
    - Các chế phẩm của Papaverrin: Dotaverine HCl (Nospa), Alverine Citrat (Spasmaverin, Sapastop) ống 40mg, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1 - 2 ống/ lần x 3 - 4 lần/ngày, viên 40mg 1 - 2 viên/lần  x  2-3 lần/ ngày.
    - Thuốc điều hòa nhu động dạ dày, ruột: Metoclopramide HCl (Primperan, Metoclop) ống 10mg tiêm bắp thịt hoặc tĩnh mạch 1-2 ống/lần x 2-3 lần/ ngày. Viên 10 mg x 1viên/lần x 2- 3 lần/ ngày.
    *  Thuốc trung hòa acid, bảo vệ niêm mạc dạ dày:
    Thành phần chủ  yếu của các thuốc thuộc nhóm này là các Hydrocid hoặc các muối của nhôm, Mage, Silic, có tác dụng trung hoà các acid của dịch vị và tạo ra một lớp gel bao phủ niêm mạc dạ dày. Tốt nhất là dùng ở dạng gel hoặc dạng bột
    -  Phosphalugel 13g dạng gói x 1gói/ lần x 2 - 3 lần/ ngày
    -  Gastropulgite gói 3g x 1gói/ lần x 3 lần/ ngày
    * Thuốc băng phủ bảo vệ niêm mạc dạ dày. Thuốc gắn với các Protein hoặc chất nhầy niêm mạc tạo nên màng che phủ cho niêm mạc dạ dày
     - Nhóm Bismuth Subcitrat (Trymo, Denol) viên 0,12  uống 1 viên/lần x 2-3 lần/ ngày
     -  Sucralfat gói 1000 mg dạng gel uống 1 gói/lần x 3- 4 lần/ngày uống trước ăn
    * Thuốc ức chế tiết Acid
    -  Thuốc ức chế thụ thể H2 histamin
    + Cimetidin (Tagamet) viên 200mg, 300mg, 400mg, 800mg Liều dùng 800 mg, 1200 mg/ ngày, có thể uống 1 lần hoặc chia 2 lần. Dạng tiêm  200 mg 1 ống/lần x 2 - 3 lần/ ngày.
    + Ranitidin (Zantac) viên 150 - 300mg. Liều dùng 300mg/ ngày, uống 1 lần hoặc chia 2 lần. Ống tiêm 50mg 1 ống/lần  x 2 - 3 lần/ngày.
    + Famotidin (Pepcid, Pepcidin) viên 20 - 40mg. Liều dùng 40 mg/ngày, uống 1 lần hoặc chia 2 lần. Dạng tiêm 1 ống 40mg/lần x 2 lần/ngày.
    + Nizatidin (Acid) viên 150 - 300mg. Liều dùng 300mg/ngày, uống 1 lần hoặc chia 2 lần.
    - Thuốc ức chế bơm Proton ATPase
    + Omeprazol (Losec, omez ) viên 20mg. Liều dùng 40mg/ ngày. Dạng tiêm 1 ống 40 mg/ lần x 1- 2 lần/ ngày.
    + Lansoprazol viên 30mg, liều dùng 1 viên/ngày.
    + Rabeprazol  viên 10 - 20mg. Liều dùng 1- 2 viên/ngày.
    + Pantoprazol (pantoloc) viên 40mg. Liều dùng 40mg/ngày. Dạng tiêm 1 ống 40 mg/lần x 1-2 lần/ ngày.
     + Esomeprazol (nexium)  viên 40mg. Liều 1 viên/ ngày, dạng tiêm 1 ống 40 mg/lần  x 1-2 lần/ngày.
    *  Thuốc kích thích sản xuất chất nhầy và duy trì sự tái sinh của niêm mạc dạ dày, cải thiện tuần hoàn của niêm mạc
    - Teprenon (biệt dược Selbec, Dimixen), viên nén 50mg. Liều dùng 100-150 mg/ngày.
    - Pepsane, gói dạng gel bao gồm Dimeticone 3g, Guaiazulene 4mg uống 1 gói/lần x  2 - 3 lần/ ngày trước bữa ăn.
    * Dùng kháng sinh diệt trừ HP ( Xem bài : Viêm dạ dày mạn )
    * Điều trị các triệu chứng khác
    -  Truyền dịch bù nước, điện giải nếu nôn nhiều.
    - Truyền dịch, truyền màu nếu có xuất huyết tiêu hóa gây tình trạng thiếu máu.
    - Nếu Bệnh nhân dị ứng cho Dimedrol hoặc Pipolphen ống 25mg tiêm bắp thịt 1 ống/ lần x  2-3 lần/ ngày .
    Tải bản đầy đủ tại đây
    Chia sẻ

      Hôm nay: Mon Apr 29, 2024 1:15 am