Thư Viện Y Học

Diễn đàn trao đổi thảo luận kiến thức y học

Forum mình có thêm website BSQUANG ICU mn vô đọc nhá!

    Ung thư phổi

    Admin
    Admin
    Admin
    Admin

    Tổng số bài gửi : 210
    Join date : 07/11/2014
    Age : 37
    Đến từ : DN

    Ung thư phổi Empty Ung thư phổi

    Bài gửi by Admin Wed Nov 12, 2014 6:51 am

    Tải về



    UNG THƯ PHỔI
    I. Đại cương:
    Hiện nay Ung thư phổi đang là một vấn đề y tế lớn trên thế giới. Hội Ung thư Hoa kỳ ước tính năm 1994 số tử vong do Ung thư phổi ở Nam giới là 94000 ca (đứng hàng đầu và chiếm 33% số tử vong do Ung thư nói chung) và ở Nữ giới là 59000 ca (nhiều hơn Ung thư vú và chiếm 23% số tử vong do Ung thư ở Nữ giới).       
    II. Phân loại mô bệnh học:
              Ung thư phổi được phân chia thành các Tip mô bệnh học chính như  sau:
    1. Ung thư biểu mô dạng biểu bì:
    Chiếm khoảng 30-50% các Ung thư phổi nguyên phát. Có thể gặp các loại: biệt hóa cao, biệt hoá trung bình và biệt hoá thấp.
    2. Ung thư biểu mô dạng tuyến:
    Chiếm khoảng 15-35% các Ung thư phổi nguyên phát. Có thể gặp các loại: biệt hoá cao, biệt hoá thấp và Ung thư phế quản phế nang.
    3. Ung thư tế bào lớn:
              Chiễm khoảng 10-15% các Ung thư phổi nguyên phát. Có thể gặp các loại: không biệt hoá, tế bào khổng lồ và tế bào sáng.
    4. Ung thư tế bào nhỏ:
              Chiếm khoảng 20-25% các Ung thư phổi nguyên phát. Có thể gặp các loại: tế bào hạt lúa mạch, tế bào trung gian.
              Ngoài ra còn một số loại Ung thư phổi khác hiếm gặp hơn.
              Trong thực tế điều trị, các Ung thư tế bào nhỏ là loại có tiến triển khác hẳn so với các loại Ung thư phổi khác, do đó nhiều khi có thể chia Ung thư phổi ra hai loại là Ung thư tế bào nhỏ và Ung thư tế bào không nhỏ.
    III. Nguyên nhân:
    1. Hút thuốc lá:
              Các nghiên cứu đã khẳng định tỉ lệ chết do Ung thư phổi ở người có hút thuốc cao hơn 8 – 20 lần người không hút thuốc. Những người nghiện thuốc lá nặng (hút hơn 25 điều một ngày) có nguy cơ cao hơn gấp 20 lần so với người không hút thuốc. Có trên 2000 chất hoá học trong khói thuốc lá, một số chất trong đó có tác dụng gây Ung thư trực tiếp hoặc gián tiếp.
    2. Nghề nghiệp:
              Công nhân trong một số nghề như Luyện kim, khai thác mỏ, sản xuất khí đốt, hoá dược, xà phòng, chất tẩy, sơn, chất nhuộm vô cơ, cao su tổng hợp…có tỉ lệ bị Ung thư phổi cao hơn các nghề khác do phải tiếp xúc với các chất gây Ung thư như Asen, Amiăng, Ete Metyl Chlorometyl, Ete Bischlorometyl, Crom, tia phóng xạ Ion hoá, hơi Mù tạt, Niken, Radon và Vinyl Chlorid.
    3. Một số yếu tố khác:
    + Ô nhiễm môi trường
              + Di truyền, thể tạng
    + Một số bệnh khác của phổi: có thể thấy Ung thư phổi xuất hiện trên nền các bệnh khác ở phổi như: Bệnh xơ hoá phổi lan toả, bệnh Sacoidosis, Xơ cứng bì. Bệnh khí phế thũng, Viêm phế quản mãn…
    + Chế độ ăn uống: ăn nhiều rau quả có chứa Beta caroten sẽ làm giảm 50% nguy cơ Ung thư phổi so với nhóm ít dùng chất này.
    IV. Triệu chứng chẩn đoán:
              Nói chung giai đoạn chưa có triệu chứng lâm sàng của Ung thư phổi tương ứng với khoảng 2/3 toàn bộ thời gian tiến triển của bệnh. Hiện nay chỉ có khoảng 25-40% Ung thư phổi được coi là còn khả năng cắt bỏ được vào thời điểm phát hiện thấy bệnh.
    1. Các triệu chứng toàn thân không đặc hiệu:
              Gày sút cân, chán ăn, suy nhược, mệt mỏi, sốt…
              Nhiều trường hợp không có biểu hiện gì đặc biệt trên lâm sàng.
    2. Các triệu chứng ở cơ quan hô hấp:
              + Ho: thường ho khan, dai dẳng. Về sau ho có đờm, có thể ho ra máu.
              + Đau ngực: thường đau ở vị trí tương ứng với khối U.
              + Khi khối U đã phát triển và xâm nhiễm vào các cơ quan trong lồng ngực thì có thể khám thấy:
    - Tiếng khò khè khư trú ở chỗ phế quản bị khối U làm hẹp lại.
    - Hội chứng Horner (co đồng tử, sụp mi mắt, rối loạn vận mạch nửa mặt…) do U xâm nhiễm vào đám rối thần kinh giao cảm cổ ngực.
    - Hội chứng Pancoast-Tobias (đau tê vùng vai, cánh tay kèm Hội chứng Horner trong U đỉnh phổi) do xâm nhiễm vào đám rôí thần kinh cánh tay và đám rối giao cảm ngực.
    - Phù áo khoác do xâm nhiễm tĩnh mạch chủ trên. Khó nuốt do xâm nhiễm vào thực quản. Nói khàn do xâm nhiễm dây thần kinh quặt ngược. Liệt cơ hoành do xâm nhiễm dây thần kinh hoành. Tràn dịch khoang màng phổi do xâm nhiễm màng phổi.
    3. Các triệu chứng di căn ra ngoài lồng ngực:
              Thường gặp các di căn đến các hạch trước cơ bậc thang, não, gan, các tuyến thượng thận, xương...
    4. Các Hội chứng cận U (paraneoplastic syndromes):
              Hội chứng cận U là những tình trạng bệnh lý thường xuất hiện và tiến triển cùng với quá trình tiến triển của khối U nguyên phát. Nguyên nhân thực sự của chúng còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Trong Ung thư phổi có thể gặp các nhóm biểu hiện của Hội chứng cận U sau: 
    + Nhóm các triệu chứng toàn trạng:
    Sút cân, chán ăn, gày sút, suy kiệt…Tuy chưa xác định rõ được nguyên nhân nhưng luôn đi cùng các U ác tính nói chung.
    + Nhóm các triệu chứng huyết học, mạch máu:
    Có thể gặp các tình trạng: Thiếu máu đẳng sắc, Viêm nghẽn tĩnh mạch di trú (Hội chứng Trousseau), đông máu rải rác trong lòng mạch, tắc động mạch...
    + Nhóm các triệu chứng xương khớp:
    Có ngón tay, ngón chân hình dùi trống; phì đại đầu các xương dài; tăng sinh màng các xương dài; viêm khớp cố tay, cổ chân, gối…không đối xứng (Hội chứng Pierre-Marie).
    + Nhóm các triệu chứng thần kinh cơ:
    Đôi khi có trước biểu hiện lâm sàng của U từ vài tháng đến vài năm. Có thể gặp: thoái triển vỏ tiểu não, dị cảm và đau ở chi dưới, nhược cơ (Hội chứng Eaton-Lambert), viêm não-tuỷ sống, mất thị lực kiểu ống nhòm…
    +   Nhóm các triệu chứng về da:
    Có thể gặp: viêm da cơ, tăng sắc tố da, nổi mày đay, rậm lông…
    + Nhóm các triệu chứng về chuyển hoá và nội tiết:
              Khoảng 10% Ung thư phổi có các Hội chứng này rõ ràng trên lâm sàng, nhưng ở mức cận lâm sàng thì tỉ lệ cao hơn nhiều. Các loại Hocmon dị sinh hay gặp do Ung thư phổi có thể tiết ra là: Hocmon hướng thượng thận (adrenocorticotropic hormone:ACTH), Hocmon kích thích sắc tố bào (melanocyte-stimulating hormone), Hocmon tuyến cận giáp (parathyroid hormone), Hocmon kháng bài niệu (antidiuretic hormone: ADH), Kích dục tố màng nhau thai người (human chorionic gonadotropin), prolactin, serotonin, insulin, glucagon, yếu tố giải phóng hướng vỏ thượng thận (corticotropin-releasing factor), Calcitonin… Triệu chứng biểu hiện tương tự như khi bị cường năng các tuyến tiết ra các Hocmon đó.
    V. Các phương pháp thăm khám cận lâm sàng:
    1. Các phương pháp thăm khám hình ảnh :
              + Chụp X.quang thường : là phương pháp thăm khám có ý nghĩa rất quan trọng trong định hướng chẩn đoán, theo dõi và điều trị Ung thư phổi. Nhiều trường hợp triệu chứng X.quang là triệu chứng duy nhất để bệnh nhân đến điều trị.
              + Chụp phế quản cản quang chọn lọc : đưa thuỗc cản quang vào vùng phế quản có khối bệnh lý để chụp hình ảnh phế quản đó.
              + Chụp cắt lớp vi tính (Computed toniagraphy: CT)
              + Chụp cộng hưởng từ (Magnetic resonance im­aging: MRI)
              + Chụp cắt lớp phát xạ Positron (Positron emission tomog­raphy: PET)
    2. Nội soi:
              + Soi phế quản: có thể kết hợp nội soi phế quản và lấy bệnh phẩm sinh thiết để chẩn đoán tế bào học hay mô bệnh học (sinh thiết trải, sinh thiết rửa, sinh thiết xuyên thành phế quản…)
              + Soi trung thất: để đánh giá tình trạng di căn hạch trung thất và sinh thiết các hạch này để chẩn đoán tế bào học và mô bệnh học.
              + Soi lồng ngực: đánh giá tình trạng U xâm nhiễm, di căn hạch rốn phổi và sinh thiết các tổn thương này.
    3. Xét nghiệm tìm chất “đánh dấu khối U” (“Tumour Marker”):
              Trong khi phát triển, khối U có thể sinh ra một số chất đặc biệt vốn bình thường không có trong cơ thể. Các chất này được gọi là các chất “đánh dấu khối U” vì nếu  phát hiện thấy chúng thì chứng tỏ khối U đó đang có mặt trong cơ thể. Một trong những  “đánh dấu khổi U” trong Ung thư phổi là một chất có hoạt tính sinh học giống ACTH nhưng cấu trúc phân tử lớn hơn và hoạt tính kém hơn.
    4. Sinh thiết chẩn đoán :

              + Chọc hút sinh thiết khối U phổi qua thành ngực : có thể dùng kim nhỏ (để chẩn đoán tế bào học) hoặc các kim sinh thiết đặc biệt lấy được cả tổ chức khối U (để chẩn đoán mô bệnh học)
              + Mổ sinh thiết hạch vùng trước cơ bậc thang (sinh thiết Daniels)
    5. Mở ngực thăm dò :
    Việc chẩn đoán một Ung thư phổi phải đạt được các yêu cầu : khẳng định đó là Ung thư, xác định Tip mô bệnh học và Giai đoạn bệnh của nó. Nhiều trường hợp các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng không thể xác định được đủ rõ các yêu cầu chẩn đoán đó nên phải chỉ định mở ngực thăm dò.
    VI. Phân loại giai đoạn:
    1. Phân chia giai đoạn theo hệ thống  T, N, M

    + KHỐI U NGUYÊN PHÁT (T)
    TX : Có tế bào ác tính trong chất tiết phổi-phế quản nhưng không nhìn thấy u trên X.quang hay Soi phế quản
      T0 : Không có dấu hiệu của khối U nguyên phát
      Tis : Caxinom in situ
      T1 : U < 3 cm, không  xâm nhiễm về phía phế quản thuỳ
      T2 : U > 3 cm hoặc đã xâm nhiễm lá tạng hoặc gây xẹp phổi hay viêm phổi do tắc.Tuy nhiên U chỉ nằm trong phạm vi phế quản thuỳ và cách xa Carina trên 2 cm.
    T3 : U đã xâm nhiễm vào thành ngực, cơ hoành, màng phổi trung thất hoặc màng ngoài tim nhưng chưa xâm nhiễm vào tim, các mạch máu lớn, khí quản, thực quản hay thân đốt sống, hoặc U đã ở sát Carina trong vòng 2 cm nhưng chưa xâm nhiễm Carina.
    T4 : U đã xâm nhiễm vào trung thất hay  tim, các mạch máu lớn, khí quản, phế quản, thân đốt sống hay Carina, hoặc đã có tràn dịch màng phổi ác tính.
     +  HẠCH BẠCH HUYẾT (N)
      N0:Không thấy có di căn các hạch khu vực
      N1:Đã di căn hạch quanh phế quản hay rốn phổi cùng bên hoặc cả hai vị trí trên
      N2:Đã di căn vào các hạch trung thất cùng bên và các hạch sát dưới Carina.
      N3:Đã di căn hạch trung thất bên đối diện, hạch rốn phổi bên đối diện hay các hạch dưới đòn hoặc hạch cơ bậc thang cùng bên hay đối bên.
    + DI CĂN XA (M)
      M0 : Không xác định thấy có di căn xa.
      M1 : Đã có di căn xa, xác định được vị trí khối di căn.
    2. Phân chia các nhóm giai đoạn  của ung thư phổi
              Thể ẩn                  TX              N0              M0
              Giai đoạn 0          Tis              In Situ         In Situ
              Giai đoạn I           T1               N0              M0
                                          T2               N0              M0
              Giai đoạn II          T1               N1              M0
                                          T2               N1              M0
              Giai đoạn IIIa       T3               N0              M0
                                          T3               N1              M0
                                          T1-3            N2              M0
              Giai đoạn IIIb       Mọi T                   N3              M0
                                          T4               Mọi N         M0
              Giai đoạn IV        Mọi T                   Mọi N         M1
    3. Phân chia giai đoạn ung thư phổi tế bào nhỏ
              Do cách phân chia theo hệ thống TNM ít có giá trị tiên lượng đôí với các Ung thư phổi tế bào nhỏ nên hiện nay người ta thường chia Ung thư phổi tế bào nhỏ ra hai giai đoạn chính:
              + Giai đoạn khư trú: tổn thương chỉ mới ở một bên lồng ngực, có hay không có di căn đến các hạch rốn phổi hoặc trung thất cùng bên, chưa phát hiện thấy di căn xa.
              + Giai đoạn lan rộng: các tổn thương đã lan rộng sang cả bên ngực đối diện hoặc đã có di căn xa.
    VII. Điều trị Ung thư phổi:
    1. Chỉ định điều trị:
              + Các Ung thư phổi tế bào không nhỏ:
              - Giai đoạn I và II: điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật. Có thể kết hợp điều trị tia xạ sau mổ cho các Ung thư giai đoạn II.
              - Giai đoạn IIIa: điều trị bằng phẫu thuật kết hợp với điều trị tia xạ và hoá chất sau mổ.
              - Giai đoạn IIIb: nói chung không còn khả năng điều trị bằng phẫu thuật. Tuy nhiên có thể phối hợp điều trị bằng Hoá chất và Tia xạ, sau đó có thể phẫu thuật và tiếp tục điều trị Hoá chất và Tia xạ sau mổ.
              - Giai đoạn IV: không còn khả năng phẫu thuật. Điều trị chủ yếu bằng Tia xạ, Hoá chất, Miễn dịch.
              + Các Ung thư phổi tế bào nhỏ:
              - Giai đoạn khư trú: điều trị kết hợp bằng Phẫu thuật, Tia xạ, Hoá chất, Miễn dịch trước và sau mổ.
              - Giai đoạn lan tràn: không có chỉ định phẫu thuật. Điều trị chủ yếu bằng Tia xạ, Hoá chất và Miễn dịch.
    2. Điều trị phẫu thuật:
              + Chỉ định chung:
              - Ung thư phổi tế bào không nhỏ giai đoạn I, II và IIIa.
              - Ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn khư  trú.
              + Chỉ định các phương pháp phẫu thuật:
              Các phương pháp phẫu thuật Ung thư phổi có thể sử dụng là: cắt bỏ một thuỳ phổi, cắt bỏ hai thuỳ phổi, cắt bỏ một phổi và cắt phân thuỳ phổi. Tuỳ các giai đoạn của Ung thư phổi mà có thể chỉ định áp dụng các phương pháp mổ như sau:
              - Giai đoạn I: thường chỉ định mổ cắt một thuỳ phổi. Trong một số trường hợp nếu U phổi ở ngoại vi, nhỏ và khư trú thì có thể mổ cắt bỏ phân thuỳ phổi theo cách thông thường hoặc bằng phương pháp mổ Nội soi lồng ngực.
              - Giai đoạn II: thường mổ cắt bỏ một thuỳ phổi hoặc hai thuỳ phổi (khi U phổi phải đã phát triển qua khe liên thuỳ, xâm nhiễm phế quản trung gian…) kèm theo lấy cả khối các hạch bạch huyết phân thuỳ, thuỳ,liên thuỳ và rốn phổi. Sau mổ có thể điều trị bổ xung bằng chiếu xạ.
              - Giai đoạn IIIa: thường phải mổ cắt một phổi kèm theo các tổ chức đã bị U xâm nhiễm (thành ngực, màng ngoài tim…) và toàn bộ hạch rốn phổi cùng bên. Có thể điều trị bổ xung Hoá chất và Tia xạ trước và sau mổ.     
    - Các Ung thư phổi tế bào nhỏ Giai đoạn còn khư  trú: phải điều trị phối hợp Tia xạ, Hoá chất, Miễn dịch và Phẫu thuật. Phẫu thuật (có thể mổ cắt bỏ thuỳ phổi hoặc một phổi kèm theo lấy bỏ triệt để hạch rốn phổi và các tổ chức bị U xâm nhiễm) được tiến hành trên nền điều trị Tia xạ và Hoá chất trước và sau mổ.
    3. Chiếu xạ:
              + Điều trị chiếu xạ đơn thuần:
              Thường được áp dụng cho các Ung thư phổi tế bào nhỏ và các Ung thư phổi có chống chỉ định mổ. Kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh:
              - Giai đoạn I và II: tỉ lệ sống thêm sau 5 năm có thể đạt 15-20%.
              - Giai đoạn III: tỉ lệ sống thêm sau 5 năm có thể đạt 3-10% và thời gian sống thêm trung bình có thể đạt 9-12 tháng.
              + Điều trị chiếu xạ kết hợp:
              - Kết hợp với Phẫu thuật: thường dùng sau mổ hoặc cả trước và sau mổ các Ung thư phổi giai đoạn II và III vì có tác dụng hạn chế tái phát U tại chỗ, nhất là đối với các trường hợp đã có di căn hạch ở rốn phổi và trung thất.
              - Kết hợp với Hoá chất: thường áp dụng cho các Ung thư phổi tế bào nhỏ.
              + Điều trị tạm thời:
              Thường áp dụng cho những trường hợp U đã xâm nhiễm rộng không còn khả năng mổ cắt bỏ được nữa. Nó có tác dụng làm giảm được tạm thời các triệu chứng đau ngực, khó thở, ho ra máu, tắc tĩnh mạch chủ trên… do khối U xâm nhiễm vào thành ngực, khí-phế quản,tĩnh mạch chủ trên…gây nên.
    4. Hoá chất:
    + Điều trị Hoá chất bổ xung sau mổ:
    Phác đồ thường được dùng nhất là: Etoposide và Cisplatin (EP), hoặc Cyclophosphamide, Doxorubicin, và Vincristine (CAV). Thường dùng sau mổ các Ung thư phổi tế bào không nhỏ giai đoạn II và III. Một số trường hợp kết hợp với cả Chiếu xạ để điều trị sau mổ. Có tác dụng giảm tái phát và kéo dài được thời gian sống thêm sau mổ.
    + Điều trị Hoá chất trước mổ:
    Có thể dùng phác đồ Mitomycin, Vinblastine và Cisplatin (MVP). Thường dùng điều trị trước mổ các Ung thư phổi tế bào không nhỏ giai đoạn III. Một số trường hợp kết hợp với cả Chiếu xạ trước mổ. Có tác dụng làm các tổn thương khư trú lại để có thể phẫu thuật được triệt để hơn.
    + Điều trị Hoá chất tạm thời:
    Có thể áp dụng cho các Ung thư phổi tế bào không nhỏ có chống chỉ định mổ. Tuy nhiên kết quả không rõ ràng.
    5. Các phương pháp điều trị khác:
              + Miễn dịch liệu pháp:
              Có thể dùng một số các biện pháp để năng cao khả năng đề kháng chung của cơ thể đối với Ung thư phổi như:
              - Các thuốc: Vitamin C liều cao, Vitamin E, Vitamin A, Levamisole, một số chế phẩm thuốc Nam như Tam thất, Phylamin (một chế phẩm từ bèo dâu)…
              - Tiêm BCG vào khoang màng phổi để kích thích tạo các kháng thể.
              - Sử dụng một số các chế phẩm miễn dịch như: các tế bào tiêu diệt được lymphokin kích hoạt (lymphokine activated killer: LAK), Interleukin-2 (IL-2), Yếu tố Alpha gây hoại tử khối U (Tumor necrosis factor-alpha:TNF)…
              + Liệu pháp Laser nội phế quản:
              Dùng đầu đốt Laser đưa qua ống soi phế quản để cắt và đốt các khối U trong lòng phế quản. Có tác dụng làm giảm tạm thời tình trạng tắc phế quản, ho ra máu…do khối U gây ra.
              + Liệu pháp quang động:
              Sử dụng dẫn chất của Hematoporphyrin có tính chất hấp thụ quang năng để gắn vào khối U, sau đó chiếu Laser APD (Argon Pump Dye) vào để quang năng tập trung ở khối U và gây phá huỷ khối U. Có tác dụng điều trị tạm thời các khối U nằm lan rộng ở thành phế quản hay các di căn hạch vùng rốn phổi.
              + Điều trị tia xạ đợt ngắn nội phế quản:
              Thường dùng Iridium 92 đưa qua ống soi nội phế quản trực tiếp vào khối U trong phế quản. Có tác dụng điều trị tạm thời các biến chứng tắc phế quản, ho ra máu…do các U trong phế quản gây ra.       
    VIII. Tiên lượng:
    1. Các Ung thư tế bào không nhỏ :
              Nếu được điều trị tích cực thì tỉ lệ sống sau 5 năm của các Ung thư phổi tế bào không nhỏ có thể đạt được sẽ phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh khi được phát hiện và điều trị :
              + Giai đoạn I : 50-85%
              + Giai đoạn II :  30-50%
              + Giai đoạn IIIa : 8-40%
    2. Các Ung thư tế bào nhỏ:
              + Nếu không được điều trị thì thời gian sống thêm trung bình kể từ khi phát hiện thấy bệnh chỉ dưới 3 tháng và tỉ lệ sống thêm sau 5 năm không quá 1%.
    + Nếu được điều trị tích cực thì:
              - Giai đoạn còn khư trú: thời gian sống trung bình khoảng 12-15 tháng và tỉ lệ sống thêm sau 5 năm khoảng 10-20%.
              - Giai đoạn lan rộng: thời gian sống thêm trung bình có thể đạt được 7-8 tháng và tỉ lệ sống thêm sau 5 năm có thể đạt 3-5%.
    Tải về

    Chia sẻ

      Hôm nay: Mon Apr 29, 2024 4:52 pm