VIÊM HỌNG (Angines)
1. Đại cương
1.1. Một số đặc điểm giải phẫu
* Họng được chia làm 3 phần
+ Họng mũi (tỵ hầu) ở vị trí cao nhất, lấp sau màn hầu, ở sau dưới 2 lỗ mũi. Tỵ hầu có amidal vòm, có vòi Eustachi thông với tai.
+ Họng miệng(khẩu hầu) phía trên thông với họng mũi, phía dưới thông với họng thanh quản, phía trước thông với khoang miệng mà màn hầu là giải phân cách, phía sau là thành họng sau. Họng miệng có Amidal khẩu cái, và các hạch lympho nhỏ ở dưới lớp niêm mạc thành sau họng.
+ Họng thanh quản(thanh hầu) trên thông với họnh miệng, dưới thông vớimiệng thực quản.
* Vong bạch huyết Waldeyer
+ Amidal khẩu cái.
+ Amidal lưỡi
+ Amidal vòm (VA)
+ Amidal vòi
* Thành họng được cấu tạo bởi lớp cân, cơ, niêm mạc
* Lớp niêm mạc được cấu tạo bởi lớp liên bào, lớp tế bào tiết nhầy, nang lympho
Họng thông với bên ngoài qua miệng, mũi, tai, thông với khí quản, thực quản.
1.2. Định nghĩa
Viêm họng là bệnh viêm niêm mạc họng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus (chiếm 2/3), vi khuẩn, ngoài ra có thể gặp do nấm, do một số bệnh máu ác tính ( Leucemia). Biểu hiện lâm sàng thường có đau, rát, ngứa họng, ho khan, hạch lân cận sưng, sốt, mệt mỏi.
1.3. Mầm bệnh
- Virus: 2/3 bệnh nhân viêm họng là do virus. Các virus gây viêm họng hay gặp như: cúm, á cúm, adeno, sởi, corona, rhino, hợp bào (Respiratory Syncytial), coxsacki...Bệnh thường không có chỉ định điều trị kháng sinh.
- Vi khuẩn: liên cầu, tụ cầu, trực khuẩn bach hầu,phế cầu, trực khuẩn ho gà
* Liên cầu khuẩn β tan huyết nhóm A (Streptocoque A β hemolitique) là nguyên nhân gây abces, phlegmon amidal và hội chứng sau nhiễm trùng như: viêm khớp, viêm tim, bệnh van tim, viêm cầu thận.
* Trực khuẩn bạch hầu là căn nguyên gây bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng nhất là trẻ nhỏ.
- Do nấm: nấm candida... Nhiễm nấm họng chỉ sảy ra ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch (AIDS ...).
- Bệnh máu ác tính :Viêm họng là do tính chất xâm lấn hạch của tế bào ác tính.
1.4. Nguồn bệnh và đường lây
- Nguồn bệnh : Là người bệnh và người mang mầm bệnh không triệu chứng
- Đường lây : Chủ yếu là đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp, ngoài ra còn lây qua tay, chân, vật dụng sinh hoạt.
2. Lâm sàng
2.1. Phân loại lâm sàng
+ Theo diễn biến
- Viêm họng cấp
- Viêm họng mạn
+Theo tính chất tổn thương
- Viêm họng đỏ
- Viêm họng có màng giả
- Viêm họng có bọng
- Viêm họng có loét, hoại tử
- Viêm amidal
- Viêm VA
2.2. Viêm họng đỏ
- Viêm họng đỏ là viêm niêm mạc họng cấp tính, nguyên nhân thường do virus, ngoài ra có thể gặp do vi khuẩn như liên cầu, phế cầu..., bệnh hay gặp vào mùa lạnh, thời điểm giao mùa.
- Triệu chứng:
+ Toàn thân: Khởi phát đột ngột, sốt cao 39- 40oC, sốt nóng là chính, đôi khi có gai rét và rét run, đau đầu, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi. Da xung huyết , kết mạc mắt xung huyết.
+ Tại chỗ
- Cảm giác khô, nóng họng sau đó xuất hiện cảm giác ngứa, đau, rát. Đau họng tăng khi nuốt, nói. Khi nuốt có cảm giác vướng.
- Ho khan, luôn luôn có kích thích ho.
- Chảy nước mắt, nước mũi, tịt mũi.
- Tiếng nói trở lên khàn, giọng mũi.
- Khám thấy : Hạch cổ sưng, đau, niêm mạc họng đỏ rực (xung huyết mạnh), màn hầu, tiểu thiệt, trụ amidal, thành sau họng phù nề, đỏ. Amidal sưng to, đỏ, bề mặt có phủ lớp giả mạc trắng, dễ gạt,không chẩy máu.
+ Xét nghiệm : Hầu hết bạch cầu trong giới hạn bình thường, CPR âm tính.
- Tiến triển : Bệnh thường diễn biến khỏi trong khoảng vài ngày, không vượt quá 1 tuần.
- Thể lâm sàng đặc biệt :
+ Viêm họng do nhiễm Adenovirus : Nhiễm virus Adeno gây lên bệnh cảnh có triệu chứng đặc trưng được gọi là bệnh APC: Viêm hạch (Adenoite), viêm hầu họng (Pharyngite), viêm kết mạc mắt (Conjunctivite) và ban dát sẩn toàn thân. Bệnh thường sảy ra vào mùa đông xuân, trẻ em là đối tượng hay gặp.
+ Viêm họng do liên cầu khuẩn β tan huyết nhóm A: Amidal sưng to, phù nề, thành họng sau xung huyết, trên bề mặt amidal, thành họng thường được phủ một lớp bựa trắng (giả mạc), dễ gạt bỏ mà không chảy máu, dễ tan trong nước, xét nghiệm bạch cầu tăng, CRP (+), Anti Streptolysin O (ASLO) (+), Anti Streptolysin Kinase (ASK- Anti Fibrolysin) (+), Anti Hyaluronidase (+), cấy nhầy họng phân lập được liên cầu khuẩn β tan huyết nhóm A.
- Điều trị:
* Điều trị kháng sinh.
+ Viêm họng do virus: Không có chỉ định dùng kháng sinh, nếu có chỉ dùng trên những cơ địa đặc biệt để dự phòng nhiễm khuẩn.
+ Viêm họng nhiễm khuẩn : Điều trị kháng sinh bắt buộc, các kháng sinh được sử dụng thường thuộc nhóm Penixillin, nhóm Macrolide, Quinolone, Amiglycoside...
+ Viêm họng do do liên cầu khuẩn β tan huyết nhóm A:
- Trẻ em: Penixillin V (Ospen v 1MUI, Oracilline v 1MUI) 100.000 - 200.000UI/kg/24h/10 ngày.
- Người lớn: Penxillin V 2- 4MUI/24h/10 ngày.
Sau đó dự phòng tái nhiễm bằng Penixillin chậm (Benzathine - Pénicilline):2,4 MUI/tháng với người lớn, 1,2MUI/tháng với trẻ em.
Kháng sinh thay thế : Ampicilline, Amoxilline, Penicillie nhóm M (Oxacilline, Methicilline), Cephalosporine thế hệ 1 hoặc 3, Marcrolide. thời gian dùng 10 ngày.
* Điều trị phụ trợ .
- Hạ nhiệt độ bằng Paracétamol, Aspirine.
- Chống viêm, chống đau bằng α chymotrypsine, xúc họng dung dịch kiềm Nabica 1,25%, dd TB.
- Vệ sinh họng, giữ ấm, nghỉ ngơi.
2.3. Viêm họng có màng giả
Viêm họng có giả mạc (màng giả) là một viêm họng cấp tính nặng, tổn thương đặc trưng có lớp giả mạc che phủ trên bề mặt niêm mạc.
-Viêm họng có giả mạc trắng: hầu hết do liên cầu khuẩn β tan huyết nhóm A, ngoài ra có thể gặp do tụ cầu. Đặc tính của lớp giả mạc này là giả mạc màu trắng, sau đó chuyển sang màu vàng xám, chỉ khu trú ở Amidal, hoặc thành sau họng, không phát triển thành màng, dễ bóc tách và không cháy máu khi bóc, cho vào nước thì tan.
-Viêm họng có giả mạc màu trắng ánh xà cừ: hiếm gặp, nguyên nhân do trực khuẩn bạch hầu (bệnh bạch hầu), hoặc gặp trong bệnh tăng bạch cầu mono nhiễm trùng (do Epstein Barr virus, Cytomeganovirus...). Đặc tính của lớp màng giả này là màng giả có màu trắng hay xám , ánh vàng nhiều bóng nổi gờ và bám chặt trên mặt amydal hơi rắn, rất khó cậy ra, cậy ra thì chảy máu cho vào trong nước thì không tan. Bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu màng giả không chỉ khu trú ở Amydal mà còn lan ra ngoài Amydal(cột trước, cột sau, vòm họng, thành sau họng, lưỡi gà, thanh quản …).Lưỡi gà (tiểu thiệt) sưng nề, màng giả bám quanh tạo hình ảnh ngón tay đi găng (doigt de gant). Kèm theo màng giả là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, thần kinh và tim mạch nặng nề.
Trước một bệnh nhân viêm họng có màng giả cần nhanh chóng xác định nguyên nhân là viêm họng do liên cầu khuẩn β tan huyết nhóm A, do trực khuẩn bạch hầu để có thái độ xử trí kịp thời.
Điều trị : Viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A: Pénicilline, viêm họng do trực khuẩn bạch hầu: Pénicilline và huyết thanh trị liệu.
2.4. Viêm họng có bọng (vésiculeuses)
Viêm họng có bọng là tình trạng viêm niêm mạc tạo thành từng bọng, thường nhìn thấy ở thành sau họng, các bọng có thể xếp thành từng đám, hoặc tạo thành vòng tròn. Đây là viêm họng hiếm gặp thường do Herpes virus hoặc Coxsackie gây ra. Bệnh không có chỉ định dùng kháng sinh.
2.5. Viêm họng có ổ loét hoại tử.
Viêm họng có ổ loét hoại tử thường có một ổ loét, hoại tử đơn độc một bên với các đặc tính loét, hoại tử tạo ra một ổ sâu, màu đen, chảy máu mủ, viêm phù nề có thể gây phlegmon.
Viêm họng Vincent: do sự kết hợp của 2 vi khuẩn kỵ khí Fusobacterium necrophorum và Borrellia, bệnh gây viêm loét, hoại tử niêm mạc họng, miệng sâu, lan rộng có thể tới xương hàm gây phlegmon, bệnh nhân sốt cao, nhiễm độc nặng nề, hạch sưng. Điều trị bởi Pénicilline G.
Viêm họng do bệnh máu
Chancre giang mai trên amidal
...
2.6. Viêm họng mạn tính
Viêm họng mạn tính là viêm họng sảy ra ít nhất từ 3 lần trên một mùa đông hoặc ít nhất 5 lần trên 2 mùa đông liên tiếp.
Viêm họng mạn tính thể hiện dưới 3 tổn thương cơ bản là: xuất tiết, quả phát, teo đét.
Viêm họng mạn tính thường khó điều trị, thường là những ổ nhiễm trùng tiên phát để gây ra những biến chứng cho các nhiễm trùng lân cận như tai, xương chũm, xoang...và nhiễm khuẩn huyết.
Viêm amidal mạn tính quá phát, viêm VA có chỉ định phẫu thuật.
3. Thái độ xử trí trước một bệnh nhân viêm họng
- Khai thác bệnh sử tỉ mỉ, đặc biệt diễn biến của sốt.
- Khám biểu hiện toàn thân, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, hệ thống hạch nhất là hạch cổ, gan, lách, khớp, tim, thận.
- Khám họng kỹ càng bao gồm amidal, hầu họng, và các khoang trong miệng.
- Làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán nhanh viêm họng do nhiễm khuẩn và do virus, xác định viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, do trực khuẩn bạch hầu để có thái độ xử trí kịp thời.
Tải về