Thư Viện Y Học

Diễn đàn trao đổi thảo luận kiến thức y học

Forum mình có thêm website bsquangicu.com mn vô đọc nhá!

    Viêm ruột thừa cấp

    Admin
    Admin
    Admin
    Admin

    Tổng số bài gửi : 210
    Join date : 07/11/2014
    Age : 37
    Đến từ : DN

    Viêm ruột thừa cấp Empty Viêm ruột thừa cấp

    Bài gửi by Admin Wed Nov 19, 2014 8:03 pm

    VIEM RUỘT THỪA CẤP
                                                                                                
    Viêm ruột thừa cấp (VRTC) là bệnh cấp cứu bụng ngoại khoa thường gặp nhất. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nam cũng như nữ, nhưng nhiều nhất ở lứa tuổi 20 - 30. Bệnh cảnh của VRTC rất đưa dạng, phong phú, nhiều biến chứng không lường trước được. Phẫu thuật càng muộn thì biến chứng càng nhiều và tử vong có thể xảy ra. Vì vậy, VRTC cần được chẩn đoán sớm và phẫu thuật sớm.
    1. Bệnh sinh
    Nguyên nhân của VRTC được giải thích theo nhiều quan điểm khác nhau.
    - Bệnh căn và bệnh sinh của VRTC nói chung, vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, có nhiều thuyết giải thích khác nhau.
    - Các thuyết giải thích chính là:
    1.1. Thuyết nhiễm khuẩn
    Thuyết nhiễm khuẩn cho rằng, do nhiều loại vi khuẩn xâm nhập vào thành ruột thừa gây viêm, song một số nghiên cứu không phân lập được vi khuẩn ở ruột thừa trong thời kỳ đầu của quá trình viêm. Vì vậy, thuyết trên cần giải thích được điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào ruột thừa.
    1.2. Thuyết rối loạn vận động
    Thuyết rối loạn vận động cho rằng, vai trò quyết định của VRTC là sự rối loạn nhu động, mất trương lực cơ và do đó bị ứ đọng phân, làm tổn thương niêm mạc ruột thừa tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào ruột thừa. Song thuyết này không giải thích được nhiều trường hợp ruột thừa viêm không ứ đọng phân.
    1.3. Thuyết rối loạn thần kinh vận mạch
    Thuyết rối loạn thần kinh vận mạch là thuyết được giải thích nhiều nhất trong những năm gần đây. Cơ sở của VRTC là do sự co mạch của chính ruột thừa do tác động của thần kinh, kết quả là rối loạn dinh dưỡng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển gây nên VRTC.
    Ngoài ra, các tác giả còn đưa ra thuyết dị ứng và thuyết liên quan đến vai trò của dinh dưỡng trong VRTC.
    1.4. Một số tác giả đưa ra nguyên nhân viêm ruột thừa cấp là do  sự tắc nghẽn lòng ruột thừa do nhiều nguyên nhân khác nhau:
    - Phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc ruột thừa do đáp ứng nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân
    - ứ đọng phân , vật lạ trong lòng ruột thừa như dị vật giun kim. Giun đũa ...
    2. Phân loại viêm ruột thừa cấp
    Có nhiều cách phân loại VRTC:
    2.1. Theo mức độ tổn thương của ruột thừa 
    2.1.1. Viêm ruột thừa cấp thể sung huyết (thể xuất tiết)
    - Hình ảnh đại thể:
    + ổ bụng có nhiều dịch và dịch trong.
    + Ruột thừa mất vẻ trắng ngà.
    + Mạch máu tăng sinh, thanh mạc mất độ bóng.
    + Lòng ruột thừa có dịch đục.
    - Hình ảnh vi thể: thành ruột thừa ngấm dịch, phù nề.
    + Nhiều bạch cầu đa nhân xâm nhập.
    + Niêm mạc có nhiều ổ hoại tử.
    + Các mạch máu dãn, tăng sinh.
    2.1.2. Viêm ruột thừa cấp thể mưng mủ (viêm tấy)
    - ổ bụng có dịch đục (vùng hố chậu phải):
    + Ruột thừa sưng to, có ít giả mạc bám trên thanh mạc.
    + Mạc nối lớn đến quy tụ ở hố chậu phải.
    + Mạch máu dãn to, mạc treo viêm phù nề.
    - Hình ảnh vi thể thấy:
    + Thành ruột thừa dày phù nề.
    + Niêm mạc ruột thừa hoại tử, có ổ phá hủy hết lớp cơ, thủng nhỏ thanh mạc,  được fibrin bít lại.
    + Nhiều bạch cầu đa nhân trung tính xâm nhập, quy tụ từng đám.
    2.1.3. Viêm ruột thừa cấp thể hoại tử
    - ổ bụng có dịch mủ (tập trung nhiều ở hố chậu phải, túi cùng Douglas).
    + Mạc nối lớn đến hố chậu phải cũng bị viêm.
    + Ruột thừa sưng to, nhiều giả mạc bám.
    - Tổn thương viêm gây hoại tử, làm cho ruột thừa bị thủng. Vùng hoại tử thường thấy ở phần đuôi, hoặc ở thân ruột thừa.
    2.1.4. Thể hoại thư
    - Hiếm gặp, do vi khuẩn kỵ khí gây nên, có hoại tử khô hoặc hoại tử ướt.
    - ổ bụng nhiều dịch thối.
    - Hoại tử ướt: ruột thừa thối rữa, ngả màu vàng úa (như màu lá úa). Hoại tử khô: ruột thừa có màu tím đen toàn bộ, ít dịch.
    2.2. Theo vị trí của ruột thừa
    Ruột thừa có thể gặp ở các vị trí khác, ngoài vị trí bình thường ở hố chậu phải:
    - Viêm ruột thừa sau manh tràng.
    - Viêm ruột thừa ở hố chậu bé.
    -  Viêm ruột thừa ở giữa các quai ruột.
    - Viêm ruột thừa ở dưới gan.
    - Viêm ruột thừa ở hố chậu trái.
    Trong các vị trí bất thường trên, thì viêm ruột thừa sau manh tràng là thường gặp hơn (10 - 15%).
    2.3. Theo thể địa
    Theo thể địa có các thể:
    - Viêm ruột thừa ở trẻ em.
    - Viêm ruột thừa ở người già.
    - Viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai.
    3. Triệu chứng
    Lâm sàng của VRTC rất đa dạng, ở trường hợp điển hình thấy:
    3.1. Triệu chứng cơ năng
    3.1.1. Đau bụng
    Đau bụng là triệu chứng đầu tiên và sớm nhất.
    - Vị trí đau: có thể bắt đầu ở hố chậu phải, nhưng nhiều bệnh nhân lúc đầu đau xuất hiện ở thượng vị hoặc quanh rốn và một số vị trí khác, sau đó đau mới khu trú ở hố châụ phải.
    - Tính chất đau: âm ỉ, liên tục, tăng dần. Cũng có lúc đau thành từng cơn.
    - Nói chung, tổn thương cà ng nặng thì đau càng tăng lên, nhưng ở trẻ em và người già tính tương xứng có lúc không rõ ràng.
    3.1.2. Nôn và buồn nôn
    Triệu chứng nôn và buồn nôn lúc có, lúc không và không đặc trưng.
    3.1.3. Bí trung - đại tiện
    Bí trung - đại tiện cũng là triệu chứng thường gặp, nhưng không đặc hiệu (có bệnh nhân không bí trung - đại tiện; ngược lại, có bệnh nhân ỉa lỏng).
    3.2. Triệu chứng thực thể
    3.2.1. Toàn thân
    Có hội chứng nhiễm khuẩn, thường là mức độ nhẹ hoặc trung bình: môi khô, lưỡi bẩn, sốt nhẹ và vừa 37,5 - 38,50C; nếu sốt 39 - 40o C thường là ruột thừa viêm đã có biến chứng.
     3.2.2. Tại chỗ
    Khám bụng thấy:
    - Phản ứng cơ vùng hố chậu phải: đây là triệu chứng rất có giá trị. Phải khám kỹ và so sánh 2 bên. Rất khó xác định khi khám ở người béo, người già và phụ nữ chửa đẻ nhiều lần; những bệnh nhân này phản ứng cơ thường không rõ ràng.
    - Có điểm đau khu trú:
    + Thường thấy đau khu trú ở điểm Mac - Burney (điểm giữa đường thẳng nối rốn với gai chậu trước trên bên phải).
    + Điểm Clado: điểm gặp nhau ở bờ ngoài cơ thẳng to bên phải với đường liên gai chậu trước trên.
    + Điểm Lanz: điểm nối 1/3 giữa với 1/3 ngoài bên phải của đường liên gai   chậu trước trên (điểm niệu quản giữa bên phải).
    3.2.3. Một số dấu hiệu
    - Schotkin - Blumberg (+): ấn từ từ vào hố chậu phải bệnh nhân thấy đau, đột ngột bỏ tay ra bệnh nhân thấy đau tăng lên rõ.
    - Rowsing (+): dồn hơi đại tràng trái gây đau vùng hố chậu phải.
    - Sitkovski (+): cho bệnh nhân nằm nghiêng sang trái đau ở hố chậu phải.
    - obrasov (+): dấu hiệu đè ép manh tràng-ruột thừa, rõ khi viêm ruột thừa sau manh tràng
    3.3. Cận lâm sàng
    3.3.1. Xét nghiệm máu
    Bạch cầu tăng, nhất là bạch cầu đa nhân trung tính, công thức bạch cầu chuyển trái. Thời kỳ đầu, bạch cầu tăng vừa phải, khi có biến chứng thì tăng cao (có thể tới 20.000/mm3).
    3.3.2. Siêu âm
    Siêu âm có giá trị chẩn đoán cao (chính xác 80 - 90%), nhưng phải  làm tỷ mỉ, có kỹ thuật và có đầu dò phù hợp. Hình ảnh VRTC trên siêu âm: đường kính ruột thừa > 0,8 cm, hình ảnh bia bắn (ở mặt cắt siêu âm ngang ruột thừa), hình ảnh ngón tay đeo găng (ở mặt cắt siêu âm dọc ruột thừa), dịch quanh ruột thừa, hố chậu phải, đè ép đầu dò siêu âm vào vùng hố chậu phải đau tăng.
    Viêm ruột thừa cấp H110 
    Hình 1.1: Hình ảnh siêu âm của viêm ruột thừa cấp.
    4. Các thể lâm sàng khác
    4.1. Theo vị trí không điển hình
    4.1.1. Viêm ruột thừa sau manh tràng
    Viêm ruột thừa sau manh tràng là thể lâm sàng bất thường hay gặp nhất do vị trí ruột thừa thay đổi. Do ruột thừa nằm sát sau manh tràng, đôi khi nằm ngoài phúc mạc nên có những đặc điểm riêng về triệu chứng và diễn biến của bệnh.
    - Triệu chứng nôn hầu như không có.
    - Cơ thành bụng ở hố chậu phải vẫn mềm trong một thời gian dài.
    - Có điểm đau ở sau trên mào chậu phải.
    - Nếu viêm lan tới tổ chức sau phúc mạc thì bệnh cảnh lâm sàng rầm rộ hơn: sốt cao 39 - 40oC, ấn đau toàn bộ vùng thắt lưng phải, nên dễ nhầm với viêm tấy quanh thận phải bởi những nguyên nhân khác.
    4.1.2. Viêm ruột thừa ở chậu hông  bé (tiểu khung)
    - Đau ở vùng hạ vị.
    - Bệnh nhân có cảm giác mót đi ngoài kiểu lỵ và mót tiểu. Đôi lúc nước tiểu cũng có hồng cầu (vì khối viêm kích thích trực tràng, bàng quang).
    - Thăm trực tràng, âm đạo có điểm đau chói ở túi cùng Douglas.
    4.1.3. Viêm ruột thừa giữa các quai ruột
    - Đau vùng quanh rốn.
    - Đau kèm theo có triệu chứng bán tắc ruột. Vì vậy, khi một bệnh nhân có bán tắc ruột kèm theo sốt phải nghĩ tới VRTC.
    4.1.4. Viêm ruột thừa ở hố chậu trái
    - Các triệu chứng của VRTC đều thể hiện ở hố chậu trái.
    - Khi nghi ngờ đảo ngược phủ tạng, phải kiểm tra vị trí của gan, tim, nếu 2 cơ quan trên đảo ngược thì ruột thừa nằm bên trái.
    4.1.5. Viêm ruột thừa dưới gan
    - Đau và phản ứng cơ  ở vùng hạ sườn phải, có hội chứng nhiễm khuẩn nên dễ nhầm với viêm túi mật cấp.
    - Dấu hiệu Rowsing (+): dồn hơi từ hố chậu trái bệnh nhân đau hố chậu phải, giúp cho chẩn đoán phân biệt. Dấu hiệu Rowsing dương tính cho phép nghĩ nhiều tới VRTC, nhưng nếu âm tính thì cũng chưa được phép loại trừ.
    4.2. Theo cơ địa
    4.2.1. Viêm ruột thừa cấp ở trẻ em
    - Thường gặp ở trẻ trên 4 tuổi.
    - Lâm sàng thấy có đặc điẻm sau:
    + Trẻ sốt cao, mạch nhanh.
    + Triệu chứng nôn và buồn nôn: gặp nhiều.
    + Vị trí đau cao hơn bình thường.
    + Tiến triển nhanh, thường dẫn đến viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm trùng -  nhiễm độc nặng.
    4.2.2. Viêm ruột thừa cấp ở người già
    - Triệu chứng thường nghèo nàn.
    + Đau âm ỉ hoặc chỉ thấy tỷc nặng vùng hố chậu phải.
    + Không sốt hoặc sốt nhẹ.
    + Phản ứng cơ vùng hố chậu phải không rõ ràng.
    - Bệnh nhân thường đến khám muộn (vì đặc điểm trên) trong bệnh cảnh viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa hoặc khám thấy khối chắc ở hố chậu phải dễ nhầm tới các khối u khác vùng manh tràng.
    4.2.3. Viêm ruột thừa ở người có thai
    - Phụ nữ có thai: 4 tháng đầu tử cung chưa to lắm, nên triệu chứng viêm ruột thừa chưa khác biệt rõ rệt. Tuy nhiên, ở giai đoạn này cần phân biệt với tình trạng thai nghén và chửa ngoài dạ con vỡ.
    - Từ tháng thứ 5 trở đi, nhất là 2 tháng tháng cuối tử cung to và đẩy manh tràng lên trên và ra sau, cơ bụng cũng bị dãn nên các triệu chứng cũng thay đổi:
    + Đau cao hơn, thường ở vùng hạ sườn phải.
    + Phản ứng cơ nhẹ hoặc không rõ, vì có tử cung che khuất nên viêm chậm lan
    tới thành bụng trước, mặt  khác do cơ đang bị dãn nên co yếu đi.
    + Dùng ngón tay đẩy nhẹ tử cung từ bên trái, bệnh nhân (nằm ngửa) thấy đau ở bên phải.
    + Cần khám kỹ để chẩn đoán phân biệt với viêm bể thận ở người có thai.
     Viêm ruột thừa cấp H210
    Hình 1.2: Các vị trí viêm ruột thừa.
     (1) trước hồi tràng; (2) sau hồi tràng; (3) gần ụ nhô;
    (4) trong tiểu khung; (5) dưới manh tràng; (6) cạnh đại tràng
     5. Tiến triển và biến chứng
    Nếu VRTC không được phẫu thuật sẽ dẫn tới:
    5.1. Viêm phúc mạc toàn bộ
    Viêm phúc mạc toàn bộ thường gặp sau 6 - 24 giờ, do ruột thừa bị vỡ, mủ chảy lan khắp ổ bụng. Lâm sàng thể hiện:
    - Hội chứng nhiễm trùng - nhiễm độc toàn thân.
    - Bệnh nhân đau khắp ổ bụng.
    - Bí trung - đại tiện và trướng bụng do liệt ruột.
    - Phản ứng cơ thành bụng ở mức độ nhẹ, hoặc co cứng thành bụng nếu điển hình.
    - Ngoài ra cần đưa vào dấu hiệu cảm ứng phúc mạc (+) (Schotkin – Blumberg +)
    Viêm phúc mạc ruột thừa có nhiều mức độ khác nhau và có thể diễn biến theo nhiều hình thái khác nhau.
    5.2. áp xe ruột thừa (viêm phúc mạc khu trú)
     Ruột thừa viêm bị vỡ mủ nhưng được mạc nối, các quai ruột bao bọc lại. Sự kết dính của  ruột và phúc mạc, tạo nên một hàng rào ngăn cách không cho mủ lan ra nơi khác, chỉ khu trú trong phạm vi nhất định. áp xe ruột thừa hay gặp ở hố chậu phải do ruột thừa sau manh tràng; còn giữa các quai ruột, trong tiểu khung, hoặc dưới gan hiếm gặp hơn.
    - Lâm sàng:
    + Bệnh nhân vẫn đau và sốt cao.
    + Sờ hố chậu phải thấy một khối với đặc điểm:
    . Phía trong có bờ rõ rệt, phía ngoài liên tiếp với mào chậu.
    . Không di động.
    . Mặt nhẵn, căng, ấn đau.
    . Nếu để muộn có thể thấy hiện tượng tấy đỏ, phù nề ngoài da, khối áp xe trở nên mềm hơn.
    + Xét nghiệm máu: bạch cầu tăng cao, công thức chuyển trái rõ.
    - áp xe ruột thừa có thể vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc hoặc vỡ ra ngoài gây rò manh tràng.
    - áp xe ruột thừa thường hình thành từ ngày thứ 5 – thứ 7 sau đau hố chậu phải            .  
    - Xử trí áp xe ruột thừa tuỳ thuộc vị trí mà có chỉ định sử dụng phương pháp khác nhau. Nếu nằm ở hố chậu phải hiện nay có thể sử dụng kỹ thuật chọc rửa ổ áp xe dưới hướng dẫn của siêu âm.
    5.3. Đám quánh ruột thừa
    - Do sức đề kháng của bệnh nhân tốt, viêm không nặng lắm, ruột thừa chưa hóa mủ thì sự kết dính của quai ruột và mạc nối tạo nên một khối chắc gọi là đám quánh ruột thừa.
    - Trên lâm sàng thấy:
    + Đau và sốt giảm dần.
    + Sờ nắn hố chậu phải thấy có đám hoặc mảng (mas) chắc tay, không di động, không có ranh giới rõ rệt, bề mặt không nhẵn, đau ít.
    + Xét nghiệm máu: bạch cầu dần trở lại bình thường.
    - Đám quánh ruột thừa là biến chứng nhẹ nhất  của VRTC. Đám quánh ruột thừa có thể tiến triển theo 2 hướng:
    + Đám quánh sẽ tan dần nếu sức đề kháng tốt, kết hợp điều trị kháng sinh.
    + Đám quánh tiến triển thành áp xe ruột thừa hoặc viêm phúc mạc ruột thừa.
    6. Chẩn đoán
    6.1. Chẩn đoán xác định
    - Có 4 yếu tố cơ bản, giá trị nhất giúp chúng ta chẩn đoán xác định là:
    +  Đau khu trú vùng hố chậu phải.
    + Có phản ứng cơ vùng hố chậu phải.
    + Điểm Mac - Burney đau.
    + Có hội chứng nhiễm trùng mức độ nhẹ.
    - Một bệnh nhân điển hình có đủ 4 yếu tố trên, chẩn đoán dễ. Tuy nhiên, VRTC rất đa dạng, khi không đủ các triệu chứng điển hình, cần phải:
    - Khám kỹ phát hiện thêm các triệu chứng khác để có thêm tư liệu khách quan.
    - Khám nhiều lần để so sánh mức độ tiến triển của các triệu chứng hoặc kết hợp với hình ảnh siêu âm của VRTC.
    6.2. Chẩn đoán phân biệt
    Nhiều bệnh nội khoa và ngoại khoa có thể chẩn đoán nhầm với VRTC, nên cần phải
    chẩn đoán phân biệt.
    6.2.1. Cơn đau quặn thận phải
    - Đau vùng bụng phải nhưng lan xuyên xuống bẹn, bìu.
    - Có rối loạn tiểu tiện: đái buốt, đái dắt.
    - Nước tiểu có hồng cầu và bạch cầu.
    - Chụp X quang không chuẩn bị: có thể thấy hình cản quang ở niệu quản phải
    hay bàng quang.
    6.2.2. Viêm phần phụ ở nữ giới
    - Bệnh nhân thường đau cả 2 hố chậu.
    - Có khí hư (dịch chảy ra ở âm đạo).
    6.2.3. Xoắn u nang buồng trứng phải
    - Đau đột ngột, dữ dội hơn, nhất là khi khám chạm vào khối u.
    - Cần thăm khám âm đạo để xác định.
    - Khi phẫu thuật: thấy dịch hồng phải kiểm tra ngay buồng trứng.
    6.2.4. Chửa ngoài dạ con bên phải bị vỡ
    - Bệnh nhân chậm kinh và có biểu hiện thai nghén.
    - Có triệu  chứng chảy máu trong.
    - Thăm âm đạo: cùng đồ Douglas phồng, đau và có máu ra theo tay.
    - Trường hợp chửa ngoài dạ con vỡ đã đóng kén, nhiễm khuẩn, việc chẩn đoán phân
    biệt rất khó khăn, chỉ khi phẫu thuật mới xác định được.
    6.2.5. Viêm cơ thắt lưng chậu bên phải
    - Đau vùng hố chậu phải.
    - Có hội chứng nhiễm khuẩn.
    - Triệu chứng đặc biệt: chân phải luôn co, không duỗi được.
    áp xe ruột thừa sau manh tràng, làm viêm cả cơ thắt lưng chậu, cũng làm cho chân bệnh nhân cũng ở tư thể co. Vì vậy, không được chủ quan dừng lại với chẩn đoán viêm
    cơ, tránh bỏ sót đáng tiếc
    6.2.6. Lồng ruột hồi manh tràng
    - Đau từng cơn ở hố chạu phải hoặc cao hơn.
    - Rối loạn đại tiện, phân có nhiều máu.
    - Cơ bụng vẫn mềm.
    - Khám thấy hố chậu phải rỗng và có khi thấy búi lồng.
    6.2.7. Viêm đại tràng co thắt
    - Rối loạn đại tiện: đau bụng từng cơn, giữa các cơn bệnh nhân hết cảm giác đau. Phân thường nát, có thể kèm theo nhầy mũi.
    - Đau dọc theo khung đại tràng, có thể khám thấy thừng đại tràng.
    - Bệnh thường tái phát nhiều lần.
    6.2.8. Viêm dạ dày cấp
    - Đau vùng thượng vị, đầy bụng, ợ hơi.
    - Có phản ứng vùng thượng vị, các vùng khác vẫn mềm.
    - Không có điểm đau khu trú.
    6.2.9. Viêm tụy cấp
    - Đau nhiều nhất vùng thượng vị, nhưng có thể lan khắp bụng, có thể cả vùng hố chậu phải.
    - Bụng trướng, ấn điểm sườn - sống lưng trái đau.
    - Xét nghiệm: amylase máu tăng.
    6.2.10. Một số bệnh khác
    Khi VRTC vỡ gây viêm phúc mạc, cần phân biệt với các nguyên nhân khác như thủng ổ loét dạ dày - tá tràng, thủng túi thừa...
    Nhiều bệnh nội khoa khác cũng dễ nhầm nhưng ít gặp hơn như:
    - Lao hồi - manh tràng.
    - Bệnh Crohn.
    - Viêm túi bịt Meckel.
    - Viêm phổi thùy ở trẻ em.
    - Thương hàn.
    - Viêm túi mật.
    - áp xe mặt dưới gan.
    7. Điều trị
    VRTC phải phẫu thuật cấp cứu càng sớm càng tốt, có thể phẫu thuật mở theo kỹ thuật kinh điển, hoặc phẫu thuật nội soi. Nguyên tắc chung của phẫu thuật mở là:
    7.1. Viêm ruột thừa cấp chưa có biến chứng
    - Mở ổ bụng theo đường Mac - Burney.
    - Cắt bỏ ruột thừa.
    - Lau sạch hố chậu và đóng ổ bụng theo từng lớp.
    - Có dẫn lưu hay không là do phẫu thuật viên quyết định.
    7.2. Viêm phúc mạc toàn bộ
    - Mở ổ bụng theo đường trắng giữa trên - dưới rốn hoặc đường trắng bên phải.
    - Cắt bỏ ruột thừa.
    - Lau rửa sạch ổ bụng.
    - Dẫn lưu Douglas và hố chậu phải.
    7.3. áp xe ruột thừa
    - Phẫu thuật cấp cứu có trì hoãn, rạch da và cân cơ theo đường Roux.
    + Chọc dò, rạch thành áp xe, dẫn lưu ổ mủ.
    + Tuyệt đối không tìm cách cắt ruột thừa, không làm ổ mủ thông với ổ bụng.
    - Gần đây, phương pháp chọc hút mủ dưới hướng dẫn của siêu âm có kết quả tốt, đang được áp dụng.
    7.4. Đám quánh ruột thừa
    - Đám quánh ruột thừa là trường hợp duy nhất không phẫu thuật ngay.
    - Điều trị kháng sinh phổ rộng và theo dõi sát.
          - Sáu tháng sau, khi đám quánh tan có thể mổ cắt ruột thừa (nếu BN đau lại).
    8. Biến chứng sau phẫu thuật
    8.1. Biến chứng sớm
    - Chảy máu:
    + Chảy máu trong ổ bụng do tuột chỉ buộc động mạch mạc treo ruột thừa.
    + Chảy máu ở thành bụng gây tụ máu vết mổ do cầm máu không tốt.
             - Viêm phúc mạc: do rò phân ở gốc ruột thừa, hoặc do sai sót kỹ thuật làm thông ổ áp xe với khoang bụng trong phẫu thuật dẫn lưu áp xe ruột thừa.
    - áp xe tồn dư trong ổ bụng: thường do lau ổ bụng không sạch, dẫn lưu không tốt, nhất là sau phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa.
    - Nhiễm khuẩn vết mổ: có thể viêm tấy, mưng mủ, áp xe hoặc toác vết mổ làm lộ các quai ruột.
    - Rò manh tràng ra ngoài.
    - Tắc ruột sớm sau phẫu thuật.
    8.2. Biến chứng muộn
    - Tắc ruột muộn sau phẫu thuật: do dính hoặc do dây chằng, xoắn ruột. Tắc ruột muộn sau phẫu thuật có thể xảy ra bất cứ lúc nào (có trường hợp sau 30 - 40 năm).
    - Thoát vị hoặc sổ bụng sau phẫu thuật: thoát vị hoặc sổ bụng ở vùng vết mổ.
    Tai ve
    Chia sẻ

      Hôm nay: Thu Mar 28, 2024 5:04 pm